Quy định về quản lý tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội như thế nào?

Diendandoanhnghiep.vn Việc có hay không ban hành các quy định quản lý Nhà nước đối với tiền công đức được xã hội rất quan tâm nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Mới đây, Bộ Tài chính có Công văn số 4269/BTC-HCSN ngày 28/4/2021 lấy ý kiến lần 2 về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định (“Dự thảo Thông tư”).

Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Thông tư là để triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội theo nhiệm vụ được quy định tại khoản 6 Điều 19 của Nghị định này. Dự thảo Thông tư này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, bình luận và góp ý ngay từ khi Bộ Tài chính lấy ý kiến lần đầu hồi tháng 03 năm 2020, đến nay tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, quan điểm trái chiều, thậm chí có nhiều ý kiến phản đối và tập trung chủ yếu xoay quanh nhóm quy định liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Thời gian qua, việc có hay không ban hành các quy định quản lý Nhà nước đối với tiền công đức được xã hội rất quan tâm nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cho vấn đề này. Vậy quan điểm cho rằng đang thiếu quy định pháp luật về quản lý tiền công đức là đúng hay sai? Có cần sự can thiệp, quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với tiền công đức? Và việc đưa quy định quản lý thu, chi tiền công đức vào trong Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, di tích có hợp lý không?

Có thực sự thiếu quy định pháp luật về quản lý tiền công đức?

Tiền công đức (tên gọi truyền thống tại các địa phương khác có thể là: tiền giọt dầu, tiền đặt lễ, tiền cúng, tiền cúng dường) đến nay chưa có định nghĩa cụ thể tại bất kỳ văn bản pháp luật nào, nhưng trong thực tiễn và truyền thống văn hoá tại Việt Nam, thuật ngữ này được sử dụng riêng hoặc tạo sự liên tưởng ngay đến Phật giáo. Tiền công đức là tài sản, vật hiến cúng hợp pháp mà tổ chức tôn giáo được phép tiếp nhận theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành (“Luật TNTG”). Theo đó, việc quản lý tài sản tại các cơ sở tôn giáo có thể được phân làm hai trường hợp sau:

Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng; còn

Đối với cơ sở tôn giáo thuộc tổ chức tôn giáo đã được công nhận theo quy định tại Chương V Luật TNTG được công nhận quyền có tài sản độc lập và được quyền quản lý, sử dụng tài sản của mình theo quy định tại Hiến chương của tổ chức và các quy định nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Quyền tự quyết định các quy chế, quy định về quản lý, định đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tôn giáo phù hợp với quy tắc chung của Bộ luật dân sự về bảo hộ quyền sở hữu tài sản riêng của pháp nhân (pháp nhân phi thương mại) [1]. Do vậy, quan điểm cho rằng thiếu quy định về quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, di tích văn hoá-lịch sử chưa hoàn toàn đúng. Bởi về nguyên tắc, Nhà nước không được trực tiếp quyết định thay việc sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đối với tài sản thuộc sở hữu riêng hợp pháp của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, việc quản lý, sử dụng và định đoạt đã có các quy định của từng tổ chức tôn giáo này quy định chi tiết.

Ví dụ: Tổ chức tôn giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định riêng về xác lập, sử dụng, quản lý và định đoạt tài sản của Giáo hội và các cơ sở tự viện trực thuộc Giáo hội theo Hiến chương của Giáo hội, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Nội quy Ban Kinh tế, tài chính của Giáo hội,.. Tổ chức tôn giáo là Giáo hội Công giáo Việt Nam có quy định riêng và chi tiết về thủ đắc, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất của Giáo hội tại Bộ Giáo luật năm 1983 do Toà thánh Va-ti-can ban hành và được Hội đồng Giám mục Việt Nam áp dụng như các giáo hội Công giáo trên thế giới. Tại Việt Nam hiện nay có 36 tổ chức tôn giáo, trong đó 04 tổ chức và 01 pháp môn đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đều phải có Hiến chương, quy định riêng về xác lập quyền sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của Luật TNTG.

Ngoài ra, nếu cho rằng cần bổ sung thêm quy định về tăng cường quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với các loại tài sản được hiến cúng, cho tặng vào các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, thì các văn bản quy phạm phải quy định theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng chung cho các tài sản của tổ chức khác, thay vì đang sử dụng riêng thuật ngữ “tiền công đức” (là thuật ngữ dùng riêng cho Phật giáo). Cách tiếp cận này không tạo ra tính phổ thông, không bao hàm được đối tượng chung là các tài, vật được dâng cúng, tặng cho các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác ngoài Phật giáo, như vậy vô hình chung tạo ra sự đối xử bất bình đẳng trong quản lý Nhà nước giữa các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam. Đây chính là lí do vì sao thời gian qua, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại rất quan tâm và có ý kiến rất quyết liệt về Dự thảo Thông tư này.

Đánh đồng “tiền công đức” và “tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”

Theo Dự thảo Thông tư hiện nay, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Thông tư gồm: (i) hoạt động quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; và (ii) hoạt động quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Như vậy, Bộ Tài chính đang xếp tiền công đức cùng đối tượng với tiền tài trợ cho hoạt động di tích và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, xét cả ở góc độ pháp lý và thực tiễn thì “tiền công đức” và tiền “tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” có bản chất pháp lý khác nhau và chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, không thể đánh đồng để đưa vào quản lý trong trong cùng 1 văn bản pháp lý về quản lý tài chính cho hoạt động di tích, lễ hội. Tác giả cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến quan điểm nhầm lẫn thường gặp này là do các di tích văn hoá- lịch sử tại Việt Nam thường gắn với các Chùa, tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do đặc thù của lịch sử, truyền thông văn hoá. Hai đối tượng này cần phải được phân biệt rõ như sau:

Tiền công đức là một tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định, quy định việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản theo đúng phạm vi quyền sở hữu hợp pháp được công nhận theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật TNTG [2]. Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật TNTG[3] và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành[4].

Tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là các khoản quyên góp, tài trợ, đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá, di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn.

Như vậy, việc gộp chung “tiền công đức” cùng với “tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” thành cùng một đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Thông tư (tại Điều 1) là chưa phù hợp với hệ thống các văn bản quy phạm trên. Ngược lại, để cho rõ ràng thì Dự thảo Thông tư cần phân tách rõ các trường hợp như sau:

Đối với các di tích, hoạt động lễ hội tại di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: thì phải có cơ chế, phương thức phân tách được rõ các khoản thu nào thuộc về tiền công đức, tiền dâng cúng cho hoạt động, cơ sở tôn giáo (i) và khoản thu nào thuộc về tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (ii). Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý trực tiếp hoạt động thu, chi đối với khoản tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội;

Đối với các di tích, hoạt động lễ hội tại các di tích mà không đồng thời là cơ sở tôn giáo đã được công nhận (ví dụ tại các đền, miếu, cơ sở tín ngưỡng do cộng đồng tự lập) thì không đặt hòm “công đức” để tránh gây nhầm lẫn; hoặc có đặt hòm “công đức” nhưng phải chỉ dẫn rõ: Nhà nước quản lý trực tiếp hoạt động thu, chi đối với khoản tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại các địa điểm này; còn các khoản đóng góp, dâng cúng cho hoạt động tín ngưỡng tại các địa điểm này thực hiện theo quy định về sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

Xuất phát từ việc xác định không đúng về đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Thông tư, các quy định liên quan đến nguyên tắc góp, tiếp nhận tiền công đức và quản lý thu, chi tiền công đức cũng chưa phù hợp. Cụ thể tại khoản 4 Điều 2 của Dự thảo Thông tư về nguyên tắc quyên góp và tiếp nhận tiền công đức, khoản tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội quy định: “Tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này.” Quy định này có nhiều bất cập và mâu thuẫn với hệ thống quy định pháp luật khác như sau:

Thứ nhất, việc quy định tiền công đức không thuộc sở hữu cá nhân là không phù hợp. Chưa có cơ sở phân định khoản tiền dâng cúng, cho tặng là cho một cá nhân (ví dụ cho Trụ trì hoặc một người tu hành trong cơ sở, tự viện); cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó; hay là cho di tích; hay là cho hoạt động lễ hội. Theo văn hoá và truyền thống về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam thì phần đông người cho tặng vật, tiền trong trường hợp này có ý chí hướng đến các nhà tu hành. Như vậy, tài sản thuộc sở hữu riêng hợp pháp của cá nhân nhận cho tặng cho. Tương tự nguyên tắc đó phải được áp dụng trong trường hợp tiền, vật được tặng cho cho cơ sở tôn giáo/tổ chức tôn giáo (pháp nhân phi thương mại).

Thứ hai, chính vì không có cơ chế và cơ sở rõ ràng để xác định được mục đích, ý chí của người cho tặng, cho, quyên góp nên việc gộp chung tất cả các khoản công đức, khoản tài trợ về cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội quản lý là không phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật về xác lập, thực hiện quyền sở hữu tài sản. Tài sản được xác lập quyền sở hữu riêng hợp pháp thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt, Nhà nước hay chủ thể khác không có quyền quản lý và định đoạt thay chủ sở hữu của tài sản; và

Thứ ba, cũng như vậy, việc quy định tất cả các khoản công đức, tài trợ đều phải được dùng cho hoạt động lễ hội và quản lý và sử dụng di tích trong trường hợp này cũng không phù hợp vì việc sử dụng, định đoạt tài sản cho mục đích nào sẽ thuộc về quyền của Chủ sở hữu tài sản.

Thông thường người ta tặng, cho một khoản tiền, tài sản cho Trụ trì hoặc các vị Tu sĩ trong một ngôi chùa, tự viện, cơ sở tôn giáo là gắn với niềm tin tâm linh, hoàn toàn tự nguyện và không quan tâm hoặc không cần được cam kết về mục đích sử dụng số tiền, tài sản tặng cho đó. Như vậy, nếu Nhà nước trực tiếp hoặc giao cho một chủ thể khác không phải là chủ sở hữu tài sản được quản lý, quyết định mục đích sử dụng của tài sản thì vừa trái với ý chí của người dâng cúng, sai với mục đích tặng cho và trái với niềm tin tâm linh của người tặng cho, vi phạm quyền được tự do tư hữu hợp pháp tài sản của cá nhân, pháp nhân theo quy định hiện hành. Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý Nhà nước còn có thể đối mặt với phải sự phản đối, thậm chí tranh chấp với các tín đồ, đệ tử của các tổ chức tôn giáo này do can thiệp quyền lực Nhà nước trái quy định vào tài sản của tôn giáo và trái với ý chí, niềm tin tâm linh và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ.

Như vậy, quan điểm của tác giả cho rằng Nhà nước chưa cần thiết ban hành các quy định can thiệp trực tiếp vào quyền quản lý, sử dụng tài sản hợp pháp của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận mà chỉ nên thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát Nhà nước theo đúng phạm vi thẩm quyền. Đặc biệt, đối với các cơ sở tôn giáo đã tự chủ hoàn toàn về hoạt động của mình, tự chủ được các nguồn kinh phí để duy tu, tôn tạo các di tích lịch sử và tài trợ cho hoạt động lễ hội, thậm chí tự chủ được cả nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động văn hoá tâm linh, lễ hội truyền thống và các hoạt động thiện nguyện khác mà không cần sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì việc kiểm soát trực tiếp việc thu, chi và hoạt động lại càng không cần thiết. Việc kiểm soát, giám sát chi phí đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo trì di tích đã có các quy định chi tiết của Luật Di sản, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm về quản lý chi phí đầu tư, xây dựng theo quy định, hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác về giao dịch tài chính, Nhà nước vẫn có thể can thiệp qua chức năng kiểm tra, giám sát của mình.

Như vậy, xét ở quan điểm pháp lý để hoàn thiện Dự thảo Thông tư hay xét trên góc độ quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của các tổ chức Tôn giáo, việc đưa “tiền công đức” vào trong đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Thông tư này là chưa phù hợp, cần được Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện; đồng thời cần xem xét bãi bỏ hoặc sửa đổi khoản 6 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng bỏ “tiền công đức” khỏi đối tượng điều chỉnh của Thông tư quản lý về tài chính cho di tích, hoạt động lễ hội.

 [1]       Khoản 1 Điều 30 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016: Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại.

[2]       Điều 21 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo: Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: .. 5. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.  Điều 56 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo: 1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật; 2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

 [3]       Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: … 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.  Điều 7 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc: … 6. Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.

 [4]       Khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015: Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.  Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015: Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quy định về quản lý tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội như thế nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713426950 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713426950 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10