Để từng bước xóa bỏ tình trạng quy hoạch “treo” thì cần phải quy trách nhiệm đến từng cấp, ngành, cá nhân trong thực thi quy hoạch và pháp luật về đất đai.
Thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều dự án lớn nhỏ được quy hoạch rồi “treo” gây lãng phí rất lớn nguồn lực công thổ quốc gia. Trong khi đó, việc rà soát các quy hoạch dù đã có quy định nhưng vẫn rất chậm.
Bên cạnh đó, việc thẩm định năng lực của chủ đầu tư ngay từ khi giao, cấp phép đầu tư dự án cũng hết sức quan trọng, cần nghiên cứu cơ chế đánh giá thực chất, toàn diện, đầy đủ, tránh tình trạng “chạy chọt, lợi ích nhóm”.Để khắc phục tình trạng quy hoạch và dự án “treo” chúng ta cần sớm nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành các chế tài quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan và người đứng đầu đơn vị thẩm định lập và phê duyệt quy hoạch để nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Địa phương nào để xảy ra tình trạng “treo” quy hoạch thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Trong kỳ sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 tới đây chúng ta có thể nghiên cứu bổ sung nội dung chế tài đối với hành vi này như “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất khi chậm đưa đất đã có quy hoạch vào thực hiện dự án theo tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt ”.
Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.
Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật cũng cần phải khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, không dây dưa.
(*) Giảng viên Cao cấp - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành viên Ban Pháp chế, Hiệp hội BĐS Việt Nam
Có thể bạn quan tâm