Quyền được đối xử công bằng của bệnh nhân COVID-19

Diendandoanhnghiep.vn Những diễn biến phức tạp gần đây cho thấy mục tiêu khống chế tuyệt đối dịch bệnh COVID-19 ở nước ta là không thực tế.

Xác định cuộc chiến lâu dài với đại dịch đang đòi hỏi những điều chỉnh chính sách để thúc đẩy hợp tác y tế công - tư.  

Khác với những bệnh tật cá nhân thông thường, đại dịch COVID-19 là một thách thức tập thể đối với cả cộng đồng. Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát thì lợi ích chung, tức là sự an toàn sức khỏe cộng đồng, sẽ luôn bị đe dọa.

Đại dịch đe dọa lợi ích tập thể

Đây là đặc điểm của đại dịch đòi hỏi hành động ứng phó tập thể. Cũng có nghĩa, chúng ta sẽ không thể đẩy lui được dịch bệnh nếu chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân hay áp dụng những cơ chế và biện pháp phòng chống giống như với các bệnh tật phổ biến khác.

Trách nhiệm ứng phó với mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay trước hết thuộc về nhà nước. Bởi lẽ chỉ nhà nước mới có được sự chính danh về chính trị, nguồn lực và phương tiện để có thể thực hiện những hành động can thiệp cần thiết trên quy mô cộng đồng, cũng như huy động mọi lực lượng cùng tham gia. Các chủ thể tư nhân, tổ chức xã hội, hay cá nhân hoạt động theo cơ chế thị trường hoặc tự nguyện có vai trò tham gia hỗ trợ chính quyền trong các hoạt động kiểm soát đại dịch.

Bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội là hai nguyên tắc đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của chính sách ứng phó dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Bình đẳng xã hội có nghĩa là mọi bệnh nhân đều không bị phân biệt đối xử khi họ nhiễm virus cúm và cần tiếp cận dịch vụ y tế. Trong khi đó, nguyên tắc công bằng xã hội yêu cầu mọi bệnh nhân phải được thụ hưởng dịch vụ điều trị tối thiểu và cần thiết như nhau để khỏi bệnh.

Nếu không bảo đảm được sự bình đẳng và công bằng xã hội thì các nỗ lực tập thể phòng chống dịch bệnh có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí thất bại bởi những toan tính vị kỷ, dù có thể chính đáng và hợp pháp, của cá nhân hoặc tổ chức. Cũng vì thế, ở tất cả các nước, chính quyền luôn phải đảm nhiệm vai trò trung tâm, kết nối mọi chủ thể để cùng hành động vì mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Vai trò của nhà nước

Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng về hệ thống quản trị công cho nên các hình thức can thiệp cũng khác nhau. Tại Mỹ, nơi hệ thống y tế đã được tư nhân hóa cao độ thì chăm sóc sức khỏe là vấn đề giữa cá nhân – công ty bảo hiểm – và bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, do sự bất bình đẳng về thu nhập và mức sống nên không phải ai cũng có bảo hiểm hoặc kinh phí để chi trả cho việc xét nghiệm và điều trị COVID-19. Vì thế, cuối tháng 3 năm 2020, chính phủ Mỹ đã chi ra 100 tỷ USD để hỗ trợ các cơ sở y tế cộng đồng và bênh viện tư nhân. Nhờ đó, họ có thể nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 (1).

Tương tự, tại Singapore, những bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc khó khăn có thể xin hỗ trợ tài chính từ các chương trình trợ giúp của chính quyền hoặc bệnh viện công lập (2). Tại Trung Quốc, chính phủ đã áp dụng linh hoạt các cơ chế thanh toán và nhiều hình thức hỗ trợ thông qua Quỹ an sinh y tế xã hội, Quỹ an sinh xã hội, Ngân sách công, Quỹ an sinh và phúc lợi của các cơ sở y tế (3). Những sự hỗ trợ này nhằm bảo đảm mọi bệnh nhân COVID-19 không phải lo lắng về chi phí điều trị, từ đó khuyến khích họ tích cực hợp tác với chính quyền để cùng vượt qua dịch bệnh.

Ở nước ta, việc ứng phó đại dịch được thực hiện thông qua hệ thống y tế công lập. Chính sách về bảo vệ sức khỏe toàn dân trước dịch bệnh hiện nay thể hiện qua Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, Quyết định số 219/QĐ-BYT, và Quyết định 447/QĐ-TTg 2020. Theo đó, bệnh viêm đường hô hấp cấp được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Những chi phí liên quan đến bệnh này đều do ngân sách nhà nước bảo đảm theo các mục chi thực tế. Nhờ có hệ thống y tế công lập, chúng ta có thể tiết kiệm chi phí, cũng như bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội trong quá trình ứng phó.

Sự tham gia của y tế tư nhân

Sự quá tải cục bộ của hệ thống y tế công lập ở một số địa phương đặt ra nhu cầu huy động các cơ sở y tế tư nhân để cùng thực hiện các hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Ưu điểm thấy rõ từ sự tham gia của y tế tư nhân là giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập cũng như cải thiện chất lượng điều trị. Tuy nhiên, các cơ sở y tế tư nhân sẽ không thể vận hành với mức chi phí giống như tại các bệnh viện công lập.

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân

Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân

Xét đặc thù hệ thống y tế Việt Nam, tình hình chống dịch hiện nay, cũng như các cơ sở pháp lý, việc cho phép bệnh viện tư nhân được tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 theo cơ chế thị trường tự do là chưa phù hợp. Bởi như thế, bệnh nhân sẽ bị phân biệt đối xử dựa trên khả năng thanh toán. Cùng với đó là những nguy cơ cạnh tranh mua sắm trang thiết bị và vật phẩm y tế, thu hút và đãi ngộ nhân sự, hay những ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ y bác sỹ công lập và những tình nguyện viên đang tham gia phòng chống dịch bệnh.

Để các cơ sở y tế tư nhân có thể hợp tác và chia sẻ trách nhiệm với y tế công lập, hướng đến mục tiêu chung là từng bước đẩy lui và kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước, thì cần bảo đảm sự bình đẳng và công bằng xã hội. Tức là, bệnh nhân COVID-19 sẽ không bị phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.

Thực hiện được điều này sẽ khiến bệnh viện tư nhân phải có trách nhiệm tiếp nhận và điều trị bất kỳ bệnh nhân COVID-19 nào với những hạng mục chi cơ bản và chất lượng tối thiểu tương đương tại cơ sở y tế công lập. Vượt trên những hạng mục chi đó, bệnh viện tư nhân được phép thu phí dịch vụ theo yêu cầu. Quy định như vậy không chỉ loại bỏ sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế giữa bệnh nhân khá giả và bệnh nhân nghèo, giúp bệnh nhân có nhu cầu được đáp ứng, mà còn khiến các bệnh nhân COVID-19 phải cân nhắc việc lựa chọn điều trị tại cơ sở y tế tư nhân hay công lập.

Mỗi quốc gia có những đặc thù riêng về quan điểm và chính sách ứng phó dịch bệnh. Bởi thế, để có thể khả thi, bất kỳ sự điều chỉnh chính sách nào cũng cần quan tâm đến các yếu tố bối cảnh về kinh tế - chinh trị - pháp lý – và xã hội. Xét tổng thể, trong ngắn hạn, nhà nước và hệ thống y tế tư nhân ở nước ta hiện nay đều cần điều chỉnh để có thể hợp tác cùng nhau vượt qua đại dịch. Sự hợp tác giúp nhà nước vẫn bảo đảm trách nhiệm chính trị với công dân, huy động được nguồn lực và bảo đảm lợi ích cho hệ thống y tế tư nhân, đồng thời y tế tư nhân cũng phải thể hiện trách nhiệm xã hội trong ứng phó với dịch bệnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo

(1) Mỹ: https://time.com/5812979/coronavirus-stimulus-hospital-administrative-costs/?utm_source=facebook&utm_medium=social&utm_campaign=social-share-article&utm-term=health&fbclid=IwAR1vEM262SE271gq6-Cob2-mqbW68ibD2Ero8soPiRK-lUHMzWzghAoRtVs

(2) Singapore - https://www.healthhub.sg/a-z/costs-and-financing/28/financial-assistance-for-local-patients-in-singapore

(3) Trung Quốc – https://covid-19.chinadaily.com.cn/a/202004/18/WS5e9a8ba8a3105d50a3d17265.html?fbclid=IwAR1a7-pYMiRjUsGJZOoA2llK1mfbGCwkPZRo04BBhQD77DXNTyxQce5LzIg

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quyền được đối xử công bằng của bệnh nhân COVID-19 tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713937803 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713937803 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10