Với mục đích cốt lõi là tìm ra các giải pháp tiếp cận cho người khuyết tật, cuộc thi SDG Challenge 2019 đã chính thức được ra mắt tại Hà Nội.
Với mong muốn tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận, tham gia và hoà nhập cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc Gia (NSSC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) họp báo công bố và giới thiệu về cuộc thi SDG Challenge 2019 với chủ đề "Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật". Cuộc thi không chỉ tạo ra sân chơi cho các startup và các nhóm thanh niên có ý tưởng sáng tạo, mà còn hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) chỉ ra, tại Việt Nam có khoảng 7% dân số Việt Nam, tương đương với 6,2 triệu dân số độ từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật . Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống: 2,3% số người khuyết tật có khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế khi ốm đau; chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật được đi học đúng tuổi; cơ sở vật chất cũng như dịch vụ tại trường học, cơ sở y tế, công cộng để hỗ trợ cho người khuyết tật còn vô cùng thiếu thốn. Theo tính toán, Việt Nam mất khoản 3% GDP vì không thể tận dụng được lực lượng lao động là người khuyết tật.
Trước những thách thức đó, trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ chứng minh rằng các giải pháp công nghệ giúp cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và hoà nhập xã hội hơn. Bên cạnh đó, ngày càng có sự xuất hiện nhiều impact startup (doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội) thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như Vulcan Augmetics, SCDeaf, MultiGlass… với các sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động trong cuộc sống.
SDG Challenge 2019 không chỉ là một cuộc thi đơn thuần về khởi nghiệp, đây còn là cơ hội để mọi người cùng chung tay tạo ra những giá trị tốt đẹp, bình đẳng, là cơ hội để mở ra cánh cửa cho người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng và an toàn với quyền lợi và các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày.