Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần có những biện pháp răn đe tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng luật mà lợi dụng chức năng để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp.
Chiều ngày 28/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Trao đổi với DĐDN, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, tình trạng xuất khẩu lao động bất hợp pháp hiện xảy ra ở nhiều nơi.
“Việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hợp lý hóa giấy tờ, thậm chí giả mạo hộ chiếu của một số đối tượng, doanh nghiệp đã từng xảy ra. Trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng doanh nghiệp để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa người dân ra nước ngoài lao động bất hợp pháp”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Nguyên nhân cơ bản là một số cá nhân doanh nghiệp chỉ tính đến lợi ích của mình, tìm mọi cách làm những điều bất hợp pháp để thu lợi nhuận.
Theo Đại biểu, tình trạng xuất khẩu lao động bất hợp pháp là người dân chưa nhận thức được nguy hiểm, chưa nhận thức được các đối tượng đang lừa đảo mình. Chính vì thế họ bị lợi dụng, bị xâm hại và có những trường hợp bị bắt, đuổi về.
“Do cuộc sống khó khăn, cần việc làm nên nhiều lao động ở nông thôn không hiểu được sự nguy hiểm, tác hại của việc này nên dễ bị các đối tượng xấu lừa. Những năm gần đây, rất nhiều trường hợp người dân ra nước ngoài làm việc theo con đường bất hợp pháp mất tiền oan, thậm chí bị đánh đập, mất mạng...”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Đặc biệt, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, trong không ít trường hợp, cơ quan quản lý để lọt các đối tượng đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp.
"Những đối tượng không chỉ thực hiện trong 1 năm mà thực hiện trong nhiều năm, nhiều lần, đến bây giờ xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng mới tiến hành điều tra", Đại biểu Phương cho biết.
Có thể bạn quan tâm
11:55, 28/10/2019
22:00, 27/10/2019
09:34, 27/10/2019
20:54, 26/10/2019
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật đã rất trách nhiệm, nhưng một số nơi còn buông lỏng quán lý, vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho những cá nhân có cơ hội phạm pháp.
Để hạn chế tình trạng trên, Đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường quản lý để người dân được xuất cảnh lao động theo con đường chính thống, an toàn... Có những biện pháp răn đe tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng luật mà lợi dụng chức năng tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động bất hợp pháp.
Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ trong dự án Luật Xuất, nhập cảnh lần này đem ra những vấn đề rất quan trọng, tránh tình trạng xưa nay Việt Nam mất uy tín với các nước có người lao động Việt Nam ra nước ngoài lại bỏ trốn ra làm riêng.
Một điều nữa là một số cơ quan chức năng quản lý nhà nước lợi dụng quyền lực của mình tạo điều kiện xuất cảnh cho một số đối tượng không hợp pháp.
“Luật điều chỉnh lần này rất quan tâm đến đối tượng chính sách, hoặc đối tượng mong muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì đảm bảo đúng quy trình, đúng chế độ. Còn một số trường hợp lợi dụng vị trí để hợp lý hóa hồ sơ, làm hộ chiếu xuất cảnh trái phép phải răn đe và cảnh báo. Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung quy định về việc cảnh báo cho người dân phải có ý thức trong vấn đề thực hiện pháp luật xuất nhập cảnh đúng đối tượng, luật pháp tránh để xảy ra trường hợp mất tích như vừa rồi", Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.