Robot đào đất của NASA 'chết' sau 2 năm trên sao Hỏa

Theo Vnexpress 16/01/2021 06:18

NASA thông báo về cái chết của robot đào đất hôm 14/1 sau khi thiết bị không thể đào sâu hơn xuống bên dưới để đo nhiệt độ hành tinh.

Robot chuột chũi đào đất trong ảnh chụp vào tháng 10/2019. Ảnh: NASA.

Robot chuột chũi đào đất trong ảnh chụp vào tháng 10/2019. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học Đức mất hai năm tìm cách để thiết bị thăm dò nhiệt có biệt danh chuột chũi khoan xuống lớp vỏ sao Hỏa. Nhưng thiết bị dài 40 cm, một bộ phận của trạm đổ bộ InSight, không có đủ ma sát giữa đất bụi đỏ. Theo kế hoạch, robot cần đào sâu 5 m, nhưng nó mới chỉ khoan được khoảng nửa mét.

Sau lần thử thất bại vào cuối tuần trước với 500 nhát khoan, nhóm nghiên cứu quyết định cho robot ngừng hoạt động. "Chúng tôi đã cố hết sức, nhưng sao Hỏa và robot chuột chũi của chúng tôi không tương thích", Tilman Spohn, nhà khoa học phụ trách thí nghiệm ở Cơ quan Vũ trụ Đức, cho biết.

Theo Spohn, thí nghiệm đào đất sẽ giúp ích cho các cuộc khai quật trong tương lai trên sao Hỏa. Một ngày nào đó, những phi hành gia sẽ cần khoan xuống sao Hỏa để tìm kiếm nước đóng băng làm nước uống hoặc sản xuất nhiên liệu, hay dấu hiệu của sự sống vi sinh vật. Thiết kế của robot chuột chũi dựa trên mẫu đất sao Hỏa mà tàu vũ trụ đã kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, mẫu đất này khác hẳn đất bụi đóng cục mà robot gặp phải lần này.

Địa chấn kế của trạm InSigh đã ghi nhận gần 500 trận động đất trên sao Hỏa, đồng thời hệ thống thời tiết cũng cung cấp báo cáo hàng ngày. Gần đây, NASA quyết định kéo dài thời gian nghiên cứu khoa học của trạm đổ bộ thêm hai năm, kết thúc vào cuối năm 2022. InSight hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 11/2018. Trong khi đó, robot tự hành Curiosity đã lang thang trên sao Hỏa từ năm 2012.

Nguồn Phys.org

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Robot đào đất của NASA 'chết' sau 2 năm trên sao Hỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO