Địa phương hóa dữ liệu, sản xuất xanh, vũ trụ ảo được xem là 3 trong số các xu thế mới sẽ định hình trong năm 2022.
Dù các xu thế mới này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường.
Tác hại địa phương hóa dữ liệu
Báo cáo công bố mới đây từ Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (ITIF) cho thấy, nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu đang “chảy” tự do xuyên biên giới. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia có những quy định ngăn chặn luồng dữ liệu này đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua - từ 35 quốc gia năm 2017 lên 62 quốc gia hiện nay. Các quốc gia đó đã thực hiện 144 biện pháp hạn chế dữ liệu trong biên giới của họ, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc với sáng kiến “vạn lý trường thành” internet.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng địa phương hóa dữ liệu khiến doanh nghiệp phải tốn chi phí xây dựng hệ thống lưu trữ đủ tiêu chuẩn, đồng thời gặp nhiều hạn chế trong việc thu thập dữ liệu lớn để phân tích, cải tiến sản phẩm, từ đó làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh, tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP.
Cụ thể, tại Indonesia, từ năm 2012, nước này đã yêu cầu đặt máy chủ và hệ thống khắc phục thảm họa trong lãnh thổ của quốc gia nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với thông tin, dữ liệu của công dân Indonesia. Hệ quả là GDP của quốc gia này giảm 0,5% mỗi năm, theo báo cáo của IPS.
Nguy cơ “lạm phát xanh”
Phát thải ròng bằng không đang dần trở thành mục tiêu đầy tham vọng, không chỉ của các chính phủ, mà còn cả của các doanh nghiệp và người dân toàn cầu. Tại Anh, các ngân hàng sẽ chấm dứt tài trợ cho các dự án mà lượng phát thải vượt quá quy định. Hay như Thụy Điển đã dẫn đầu trong ngành công nghiệp xanh khi đã chế tạo “thép xanh” bằng công nghệ thân thiện với môi trường (hydrogen), nhưng không thực sự khác biệt với thép thông thường.
Việc thắt chặt các quy định về môi trường đang hạn chế nguồn cung các nguyên vật liệu do không khuyến khích đầu tư vào các mỏ, lò luyện hoặc các hoạt động khai thác liên quan đến carbon. Kết quả là “lạm phát xanh” (greenflation) xuất hiện: giá kim loại và khoáng sản như đồng, nhôm, lithium...- những nguyên liệu cần cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ô tô điện... tăng mạnh.
Điều đáng nói là đà đi lên của các hàng hóa này gần như không suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu lại đang suy giảm.
Việc tăng giá nguyên, nhiên liệu đã và đang làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, khiến giá thành sản phẩm tăng mạnh, làm suy giảm sức cạnh tranh và năng lực tái đầu tư của các doanh nghiệp. Đây là bài toán khó mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cần có giải pháp ứng phó với tình trạng “lạm phát xanh”.
“Mặt trái” vũ trụ ảo
Vũ trụ ảo (metaverse) không còn là nơi mà một vài dự án startup như Sandbox hay Decentraland tạo ra, mà đã thu hút những gã công nghệ khổng lồ, như Meta (trước đây là Facebook), Nvidia, Microsoft, Autodesk và Baidu tham gia. Những thế giới này có thể tồn tại mà không cần công nghệ blockchain, nhưng chính công nghệ blockchain và những vật phẩm NFT dựa trên nền tảng của nó giúp cho việc trao đổi, mua bán và sở hữu vật phẩm trên thế giới metaverse trở nên dễ dàng và đa dạng hơn. Trong số vật phẩm đó, có cả những khu đất NFT thu hút những nhàđầu tư bất động sản từ đời thực vào đầu tư trên đó.
Khi thế giới ảo tồn tại song song thế giới thực, tiềm năng phát triển của thương mại điện tử cũng được nhân lên. Thay vì mua một đôi giày Nike trên Amazon, người dùng còn có thể bị “chiêu dụ” mua luôn một đôi NFT Nike trên vũ trụ ảo hợp tác với Amazon.
Chiến lược bán hàng song song ở 2 thế giới này đang được đề cập đến như một cách khiến người dùng ngày càng mua sắm trên mạng nhiều hơn. Sự phát triển của các giải pháp mua trước, trả sau càng hỗ trợ cho các xu thế này. Và khi doanh thu tăng trưởng mạnh hơn, vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, vũ trụ ảo có thể chỉ trở thành trào lưu nhất thời, nếu sản phẩm không đủ tốt, khiến người dùng không chi tiền. Đây là rủi ro tiềm ẩn mà các doanh nghiệp cần lưu ý phòng ngừa.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới
03:04, 05/12/2021
Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ II): Giá dầu sẽ ra sao?
01:00, 10/10/2021
Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ I): “Ngấm đòn” biến thể Delta
11:00, 30/09/2021
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?
12:00, 07/09/2021
Kinh tế thế giới thời Covid (Kỳ II): Thách thức và triển vọng cuối năm
04:00, 31/07/2021