Các vụ vỡ nợ trái phiếu, tình trạng thiếu thanh khoản, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, chứng khoán lao dốc... đang đặt ra nguy cơ khủng hoảng tài chính đối với Trung Quốc.
Sở dĩ thị trường tài chính Trung Quốc bị chao đảo mạnh trong thời gian qua là do ngày 06/07 sắp tới sẽ là thời điểm Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những chỉ báo đỏ
Vừa qua, một báo cáo bị rò rỉ từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Tài chính và Phát triển Trung Quốc (NIFD) đã cảnh báo về khả năng xảy ra “cơn địa chấn tài chính” ở nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. “Điều đáng ngại là Trung Quốc đang phải đối mặt với việc tăng lãi suất của FED và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng cảnh báo, tỷ lệ mua cổ phiếu bằng vay nợ ở Trung Quốc đã đạt mức cao, có thể cao hơn mức đỉnh hồi năm 2016. Đây là năm TTCK Trung Quốc ghi nhận vốn hoá đã bị “bốc hơi” khoảng 5 nghìn tỷ USD.
TS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, câu chuyện Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng hoảng loạn tài chính chỉ là vấn đề thời gian. Bởi, các rủi ro này đã tích tụ khá lâu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn những công cụ để kiểm soát rủi ro này.
Theo TS. Sơn, các công cụ đó là: Thứ nhất, nợ của Trung Quốc hiện đang tăng cao, nhưng đây là nợ trong nước, không phải nợ nước ngoài, điều này là lợi thế của họ. Thứ hai, công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của nhà nước Trung Quốc rất cao, Trung Quốc hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ này xuống và bơm tiền vào nền kinh tế. Thứ ba, bản thân Trung Quốc cũng là nền kinh tế mà nhà nước có thể can thiệp hành chính vào.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 06/07/2018
00:02, 06/07/2018
17:37, 05/07/2018
12:59, 05/07/2018
Phải sớm có “lớp đệm” chống sốc
TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Mặc dù thị trường này chưa xảy ra chấn động tài chính thực sự, nhưng cũng đã có những lo ngại về hàng hoá ngưng trệ của Trung Quốc phải tìm nơi tiêu thụ, vào các thị trường “dễ tính” như Việt Nam. Điều này càng dễ hơn khi khi tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm gần 4%, trong khi tỷ giá của VND vẫn neo khá chặt vào USD, giao động ít hơn, khoảng 1%.
Để tạo ra một lớp chống sốc, Việt Nam nên sớm có chính sách điều chỉnh phù hợp, thay vì để áp lực quá lớn và phải thực hiện chính sách “giật cục”.
TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng, điều hành tỷ giá thời gian tới là rất quan trọng, bởi xuất khẩu là lĩnh vực quan trọng, nếu không giữ được tốc độ, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
“Môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đã ghi nhận những cải cách tích cực, cho thấy Việt Nam vẫn là “mảnh đất màu mỡ” trong mắt nhà đầu tư, điều này phải được duy trì”, TS. Sơn nhấn mạnh.