Việc Mỹ, EU và Nhật Bản đề xuất quy định mới của WTO nhằm siết chặt trợ cấp các ngành công nghiệp của các nước sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp những rủi ro nhất định.
Mỹ, EU và Nhật dự kiến đạt được thỏa thuận về quy định mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối tháng 9 này, sau đó sẽ kêu gọi những thành viên khác của tổ chức này đàm phán công khai.
Siết chặt quy định
Theo đó, các quốc gia này muốn xử lý không chỉ trợ cấp từ chính quyền TW mà của cả chính quyền địa phương và tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ. Các khoản vay lãi suất thấp lẫn đầu tư phi lợi nhuận cũng sẽ bị xem là trợ cấp. Ngoài ra, Mỹ, EU và Nhật còn đề xuất thành lập nhóm công tác chịu trách nhiệm xây dựng quy định về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như buộc Cty nước ngoài chuyển giao công nghệ...
Trên thực tế, việc đề xuất xây dựng các quy định mới của WTO chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Bởi, các khoản trợ cấp khổng lồ của Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp của nước này sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ với chi phí thấp, đem lại lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Giải pháp của doanh nghiệp
Theo Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công thương, tính đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ kiện chống trợ cấp từ các quốc gia, trong đó chủ yếu là nhằm đến nhóm ngành nhôm thép, thủy sản...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, Việt Nam vẫn là nước có thế mạnh về xuất khẩu. Do đó, nguy cơ phải đối mặt với các rào cản thương mại chống trợ cấp ngày càng lớn.
"Các quy định do WTO ghi nhận và cho phép là khung để các nước nhập khẩu dựa trên đó để tiến hành điều tra", bà Trang cho biết và nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang bị xếp vào diện “kinh tế phi thị trường” nên phải chịu các phương pháp tính toán không sát thực tế của cơ quan điều tra nước nhập khẩu, dẫn đến việc chịu các mức thuế phòng vệ cao.
Theo bà Trang, các quy định mới do Mỹ, EU và Nhật Bản đề xuất đều nhấn mạnh các nước khi bị điều tra phải đưa ra bằng chứng và giải trình. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng duy trì hệ thống hồ sơ chứng từ kế toán phù hợp, minh bạch để tránh tình trạng nằm trong tầm ngắm của WTO.