Rước "Tây" tân xuân

Hữu Bình 15/02/2018 06:10

Sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) đối với “Tây” ngày càng lớn khi kinh tế vĩ mô ổn định, thoái vốn Nhà nước, nới room ngoại, đa dạng sản phẩm tài chính, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân,…

Quỹ đầu tư MSCI, quỹ đầu tư rất lớn với số vốn quản lý lên đến 1.500 tỷ USD, đã và đang xem xét nâng hạng TTCKVN. Nếu điều này trở thành hiện thực, chỉ 1% quỹ này sẽ mang vào Việt Nam tương đương khoảng 15 tỷ USD, đó là chưa tính đến hàng loạt các quỹ đầu tư khác sẽ “nối gót” MSCI.

Ồ ạt dòng vốn ngoại

Trước khi đặt ra kế hoạch năm 2017, chắc hẳn nhiều nhà quản lý đều chung nỗi lo về việc dòng tiền ngoại sẽ dịch chuyển khỏi Việt Nam khi chứng kiến một năm 2016 đầy biến động. Sau cú tăng lãi suất đầu tiên của FED cuối năm 2016, dòng vốn bắt đầu rút khỏi hầu hết các thị trường trên khắp thế giới, đặc biệt khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng năm 2016, chỉ riêng trên TTCK, khối ngoại đã bán ròng hơn 11.000 tỷ đồng (chưa kể phần trái phiếu).

Tuy nhiên, điều ngược lại đã và đang diễn ra khi dòng vốn ngoại chảy vào TTCKVN vô cùng mạnh mẽ bất chấp FED đã nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017 lên mức 1,5%. Tính đến 20/12/2017, giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCKVN đã đạt 22.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), và nếu như tính cả 2 thương vụ lớn VNM và SAB với số tiền 5,4 tỷ USD thì con số này đã lên tới 6,5 tỷ USD.

Từ trước đến nay, trong ý niệm của chúng ta đều nhìn nhận khối ngoại là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư đến từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Đức ... nhưng điều này đã thay đổi khi sự hiện diện của các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan .... ngày càng nhiều. Những thương vụ gần đây đến từ các nước trên như thương vụ KB Securities mua cổ phần của CTCP Chứng khoán Maritime (MSI) trị giá 33 triệu USD, hay 1 số Quỹ đầu tư đến từ Trung Quốc mua lượng lớn cổ phần của CTCP chứng khoán IVS, CTCP chứng khoán Phượng Hoàng,... Đặc biệt, thương vụ được giới đầu tư chuyên nghiệp rất quan tâm là Chứng khoán Samsung và Caldera Pacific sẽ cùng mua 40% cổ phần của Dragon Capital, trong đó Chứng khoán Samsung nắm 10%.

Nếu tính cả những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) hay hợp tác đầu tư khác từ lĩnh vực khác như bất động sản, trái phiếu, thì con số nói trên chắc chắn sẽ rất lớn.

Cởi mở chính sách

Có nhiều lý giải cho câu chuyện này, nhưng tựu chung có một số điểm nhấn: Thứ nhất, hiệu suất đầu tư trên thị trường Châu Á đang lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt ở thị trường cận biên như Việt Nam. Trong môi trường hội nhập sâu rộng như hiện nay, Việt Nam đang hấp dẫn khối ngoại, đặc biệt là những quỹ đầu tư lớn. Trước đây khối ngoại thường phàn nàn rằng, Việt nam có quá ít “hàng” đủ hấp dẫn họ, hoặc nếu có thì cũng đã kín room. Thế nhưng, chúng ta đã nhìn thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2017 vừa qua khi Chính phủ thể hiện quyết tâm cải thiện TTCKVN, như thoái vốn, IPO những doanh nghiệp lớn như HVN, ACV, PLX, DVN, ... và sắp tới là BSR, PVoil, PVPower, Tcty Sông Đà, Mobifone, ...; đồng thời thúc đẩy hàng loạt các doanh nghiệp sau IPO lên sàn chỉ sau thời gian ngắn. Đến nay, số lượng doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đã tăng nhanh chóng từ 7 doanh nghiệp lên gần 30 doanh nghiệp. Không chỉ vậy, mà nhiều doanh nghiệp đã chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, trong đó phải kể đến Vinamilk, Dược Hậu Giang hay Nhựa Bình Minh. Như vậy, những vướng mắc về hàng hóa hay về room đã và đang dần được gỡ bỏ.
Thứ hai, việc coi kinh tế tư nhân như động lực để phát triển kinh tế - xã hội là một sự thay đổi mang tính chiến lược cho nền kinh tế Việt Nam cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn – TTCKVN trong thời gian tới.

Thứ ba, chúng ta đã tạo ra nhiều sản phẩm hơn trên thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài việc triển khai thành công sản phẩm phái sinh với các chỉ số, chúng ta sẽ triển khai thêm cả hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Trong đó, sản phẩm chứng quyền bảo đảm cũng đã sẵn sàng triển khai trong năm 2018.

Nhưng có lẽ điểm mấu chốt chính là câu chuyện vĩ mô với sự phát triển ổn định và tăng trưởng cao. Ngay từ đầu năm 2017, ít người cho rằng Việt Nam đủ khả năng đạt mục tiêu 6,7% nhưng đến nay GDP đã vượt mục tiêu này. Thậm chí, IMF, World Bank, Ngân hàng châu Á ADB ... tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam còn lớn cao nữa. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ngày càng tin tưởng vào những chính sách tài chính tiền tệ mà Việt Nam đang thực thi, giúp ổn định lãi suất, lạm phát và tỷ giá.

Chúng ta đang dần cởi mở hơn trong các chính sách nhằm thu hút dòng vốn ngoại. Thành công bước đầu này sẽ là nền tảng cho những bước đi tiếp theo của các cơ quan quản lý. Nhưng để nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng một cách bền vững thì điều kiện tiên quyết là kinh tế vĩ mô phải tăng trưởng ổn định. Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó là cơ sở để các khối ngoại tự tin hơn trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rước "Tây" tân xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO