Trong ngành dự báo, bạn chỉ cần biết cái gì hiệu quả, chứ không cần biết tại sao. Biết nguyên do thì tốt, nhưng biết cần phải làm gì vẫn tốt hơn nhiều.
Chuyển đổi số đang là từ khóa nóng nhất trong giới kinh doanh hiện nay. Đi kèm với quá trình chuyển đổi số là các cơ hội mới để dự báo hành vi người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các doanh nghiệp vốn hoạt động truyền thống có thể ngay lập tức nắm bắt lấy sức mạnh này. Họ cần người dẫn đường.
Và quyển sách Mọi người đều nói dối của Seth Stephens-Davidowitz - cựu chuyên gia phân tích dữ liệu của Google - hẳn là một khởi đầu vô cùng phù hợp.
Trong ngành dự báo, bạn chỉ cần biết cái gì hiệu quả, chứ không cần biết tại sao. Biết nguyên do thì tốt, nhưng biết cần phải làm gì vẫn tốt hơn nhiều.
Một trong những nhà bán lẻ quy mô lớn nhất thế giới – Walmart - dùng dữ liệu từ doanh số ở tất cả cửa hàng của họ để biết sản phẩm nào cần cho lên kệ. Trước Siêu bão Frances, trận bão hủy diệt đổ bộ vào vùng Đông Nam nước Mỹ năm 2004, Walmart nghi ngờ rằng thói quen mua sắm của mọi người sẽ thay đổi khi một thành phố sắp bị một cơn bão hoành hành.
Họ nghiền ngẫm dữ liệu doanh số từ các trận bão trước để xem người ta muốn mua gì. Và đáp án là bánh Pop-Tarts dâu. Sản phẩm này bán nhanh hơn bình thường 7 lần trong những ngày sắp có bão. Dựa trên phân tích đó, Walmart chất bánh Pop-Tarts dâu lên các xe tải theo đường Interstate 95 thẳng đến các cửa hàng nằm trên đường đi của bão. Và thực tế, Pop-Tarts này bán rất chạy.
Tại sao lại là Pop-Tarts? Không biết. Tại sao lại dâu? Cũng không biết nốt. Nhưng khi bão đổ bộ, người ta rõ ràng tìm mua Pop-Tarts dâu. Dữ liệu mua hàng trong quá khứ của họ đã khẳng định đáp án này là hoàn toàn chính xác dù không hề biết tại sao. Tuy lí do vẫn mù mờ, nhưng lợi nhuận là có thật. Thậm chí, nếu chờ đợi tìm hiểu lí do thấu đáo rồi mới hành động, có thể hiểu biết ấy không còn đúng nữa.
Lợi nhuận từ bán Pop-Tarts dâu của Walmart có được là nhờ khai thác dữ liệu. Sẽ chẳng ai tự dưng nảy ra sáng kiến bán Pop-Tarts dâu - ý tưởng này chỉ có thể xuất hiện sau khi bóc tách dữ liệu. Đây là một kho tàng mà hầu như công ty nào cũng có sẵn, nhưng vốn bị bỏ qua, chủ yếu là vì “khoa học dữ liệu” có vẻ quá cao siêu với phần đông.
Tuy nhiên, quyển sách Mọi người đều nói dối của Seth Stephens-Davidowitz cho thấy điều ngược lại. Với những ví dụ đời thường vô cùng sinh động, Seth Stephens-Davidowitz đã trình bày rõ ràng và dễ hiểu những nguyên lí cơ bản nhất của khoa học dữ liệu, đồng thời cung cấp một số công cụ đơn giản và phổ biến để bất kì ai cũng có thể khởi đầu.
Theo hướng dẫn của Seth, bạn hoàn toàn có thể tự tay sử dụng Google Trends để biết thương hiệu bán lẻ nào mạnh ở khu vực nào, hay trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ hút sinh viên ở địa phương nào hơn.
Sau khi giới thiệu phương pháp, Seth đi sâu vào phân tích các ví dụ thực tế trong cuộc sống, và phát hiện ra hầu hết sự thật đều bị che giấu xung quanh những gì mọi người nói về bản thân mình. Hỏi nhân viên liệu họ có thích công ty, họ sẽ trả lời là có, nhưng âm thầm cập nhật CV trên mạng.
Hỏi khách hàng liệu họ có thích xà phòng tốt hơn, họ sẽ trả lời là có, nhưng quyết định mua hàng của đối thủ vì được tặng một cái ghế nhựa. Sự thật luôn không dễ dàng mà có được - ta chỉ có thể hiểu rõ khách hàng, nhân viên, và đối thủ khi biết những gì mà họ không nói. Điều đó chỉ có thể đạt được với khoa học dữ liệu.
Dữ liệu và khai thác dữ liệu vốn đơn giản, nếu bạn thực sự hiểu bản chất. Hãy bắt đầu với Mọi người đều nói dối của Seth Stephens-Davidowitz, rồi từ đó thực hành với chính dữ liệu gốc của công ty mình để nắm bắt lấy sự thật và những phần lợi nhuận mà trước giờ bạn vẫn bỏ qua.