Bỏ nghề nha sĩ, bị cha mẹ phản đối, 8 lần khởi nghiệp thất bại, vấp phải rào cản pháp lý, anh Seunggun Lee vẫn theo đến cùng ước mơ của mình...Nhìn ra cơ hội từ mộ vấn đề.
Từng là một nha sĩ, Seunggun Lee đã quen với việc trám răng cho mọi người. Và khi phát hiện ra một lỗ hổng trong ngành ngân hàng Hàn Quốc, anh cũng không muốn bỏ qua. Cu thể, anh nhận thấy hệ thống chuyển tiền của đất nước mình là rất cồng kềnh, vì quy trình có quá nhiều bước của thời điểm đó.
Và Lee đã sáng lập ra Toss, một ứng dụng chuyển tiền của Hàn Quốc. Ứng dụng cho phép chuyển tiền trở nên dễ dàng hơn trên các nền tảng truyền thống. Năm ngoái, Toss đã trở thành startup công nghệ tài chính (fintech) trị giá 1 tỷ USD đầu tiên tại xứ Kim chi.
“Tôi thấy rất nhiều dịch vụ như thế tồn tại ở Mỹ và nghĩ rằng, nếu nó xuất hiện ở Hàn Quốc thì sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển”, Lee chia sẻ.
Anh không quan tâm tới thực tế rằng ý tưởng đó là bất hợp pháp tại thời điểm đó. “Tôi nghĩ dịch vụ này nên tồn tại trong xã hội Hàn Quốc - bất kể nó có hợp pháp hay không”, Lee nói với CNBC Make It.
Anh bắt đầu thực hiện ý tưởng vào năm 2014, khi các ứng dụng chuyển tiền ngang hàng (P2P) tương tự - chẳng hạn như Venmo của Paypal - đang bắt đầu mở rộng rac các thị trường quốc tế. Nhưng ở Hàn Quốc, nơi nổi tiếng vì nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng, các dịch vụ như thế thực tế là bất hợp pháp.
Nhưng để đưa ý tưởng vào thực tiễn, anh cần thuyết phục nhiều người, không chỉ các nhà quản lý và nhà đầu tư, mà cả cha mẹ của anh nữa.
Lee đã dành ra một năm trình bày với các nhà quản lý, nhằm thuyết phục họ chấp nhận ý tưởng của anh, về một nền tảng chuyển tiền đơn giản hóa.
“Họ nói rằng ‘Ồ, cái này mới’, và bỏ qua”, Lee kể với Quartz về phản ứng của các cơ quan quản lý.
Và cũng trong thời gian đó, Lee và nhóm của mình đã tiếp cận với 19 ngân hàng Hàn Quốc để đề nghị hỗ trợ họ xây dựng một nền tảng công nghệ tài chính. Chỉ 3 ngân hàng đồng ý hợp tác.
Lee cho rằng: "Trung bình mỗi người Hàn Quốc có 5 tài khoản ngân hàng. Và mỗi người có 3 thẻ tín dụng. Việc tích hợp sẽ đem lại lợi ích lớn cho họ".
Và cuối cùng, vào năm 2015, các nhà quản lý đã đồng ý nới lỏng luật pháp về các ứng dụng tiền tệ và Toss chính thức ra mắt công chúng với hình thức dịch vụ thanh toán ngang hàng.
Dù vậy, với bố mẹ anh, mọi viêc khó hơn nhiều. Khi anh nói với họ rằng mình muốn từ bỏ nghề nha sĩ để trở thành một doanh nhân, họ đã rất tức giận. Sự không chắc chắn trong quá trình khởi nghiệp là điều khiến các bậc cha mẹ không an lòng. Và tại Hàn Quốc, nơi các giá trị bảo thủ vẫn tồn tại, nó có thể còn khó hơn.
“Đó là một ký ức không lấy gì làm vui vẻ. Bố mẹ tôi thực sự khá thất vọng”, Lee nhớ lại. “Ở châu Á nói chung, gia đình và xã hội thường muốn bạn sẽ làm một công việc truyền thống như làm bác sĩ hoặc nha sĩ. Nhưng tôi chưa bao giờ thích như vậy”.
Sự do dự của cha mẹ Lee không phải là không có lý do. Khi mới nghỉ việc, anh đã dành hơn bốn năm và sử dụng tiền tiết kiệm của mình để thử nghiệm nhiều ý tưởng. Và Lee đã bỏ ra số tiền vào khoảng 400.000 USD (gồm tiền tiết kiệm và tiền vay ngân hàng) để thực hiện các ý tưởng đó. Sau tám lần khởi nghiệp thất bại, từ các mạng truyền thông xã hội đến các ứng dụng di động, anh đã tìm thấy thành công ở Toss.
Nhưng Lee muốn tạo ra ảnh hưởng trên toàn thế giới, dù có sự hỗ trợ của cha mẹ mình hay không.
"Tôi đã mất ba tháng để thuyết phục họ (để nghỉ việc), nhưng không thành công. Và rồi tôi cũng từ bỏ việc thuyết phục cha mẹ mình”, anh nói.
Quyết tâm đó cuối cùng cũng được đền đáp. Các nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra giá trị của Toss, và bắt đầu bơm tiền để hỗ trợ Lee và đội ngũ công nghệ đang phát triển của mình.
Năm 2014, Altos Ventures trở thành công ty đầu tiên trong hàng loạt các nhà đầu tư lớn, bao gồm PayPal, Sequoia China và quỹ đầu tư nước ngoài GIC của Singapore, bơm tiền vào startup non trẻ.
“Chúng tôi đã nhìn thấy một cơ hội lớn và một xu hướng đang diễn ra bên ngoài Hàn Quốc”, ông Moonsuk Oh, Giám đốc Altos Ventures – một công ty đầu tư mạo hiểm, nói với CNBC Make It. “Và chúng tôi đã thấy một người sáng lập có tầm nhìn và cam kết thực hiện điều đó”.
Vòng gọi vốn trị giá 80 triệu USD vào tháng 12/2018, đã đưa Toss vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD và trở thành một trong nhiều kỳ lân (startup được định giá trên 1 tỷ USD) của Hàn Quốc. Vào tháng 8 năm nay, tổng số tiền tài trợ đã tăng vọt lên tới 261,5 triệu USD, điều này đã giúp Toss đạt mức định giá 2,2 tỷ USD.
Nhu cầu của người dùng cũng tăng lên. Trong vòng chưa đầy 5 năm, Toss đã được 14 triệu người dùng đã đăng ký dịch vụ, khoảng 27% dân số Hàn Quốc (51 triệu người), và đã xử lý hơn 48 tỷ USD tiền thanh toán, công ty cho hay.
"Bản năng và trải nghiệm cho tôi thấy rằng mọi người cần thực hiện chuyển tiền vì nhiều lý do khác nhau”, Lee nói.
Theo nhà phân tích Varun Mittal của EY, Lee đã phát hiện ra cơ hội vào đúng thời điểm, khi bối cảnh ngân hàng Hàn Quốc đã chín muồi cho sự đổi mới.
Người dân trên thế giới muốn có một cách tốt hơn để (thanh toán các khoản nợ) hơn là phải nhớ số tài khoản ngân hàng, ông Mittal, người phụ trách mảng fintech tại các thị trường mới nổi của EY, nói với CNBC Make It.
“Việc (sử dụng) số điện thoại sẽ thuận tiện hơn cho cả hai bên - người cho vay và người đi vay”, ông lưu ý.
Lee cho biết anh có kế hoạch tận dụng nhu cầu đó bằng cách mở rộng hơn nữa dịch vụ của Toss tại Hàn Quốc. Vào tháng 4/2019, start-up đã ra mắt Thẻ Toss, bên cạnh một loạt các dịch vụ mà công ty đã có, bao gồm: quản lý điểm tín dụng, tài khoản tiết kiệm và gói bảo hiểm.
“Một nửa (người dùng của chúng tôi) không sử dụng dịch vụ để chuyển tiền P2P, mà cho những mục đích khác”, Lee cho biết, kèm theo lưu ý rằng ứng dụng này sẽ đạt mốc 10 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 9.
“Đó là một nền tảng tài chính toàn diện. Chúng tôi muốn đáp ứng tất cả nhu cầu tài chính cho người dùng”.
Ngoài ra, anh cũng muốn mở rộng ra nước ngoài, và Đông Nam Á là một mục tiêu rõ ràng. Thị trường với dân số hơn 650 triệu người tại đây, rõ ràng là có nhu cầu lớn cho các nền tảng như Toss, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tiên.
“Kế hoạch mở rộng của chúng tôi là tới Đông Nam Á. Các thị trường khác đã bị chi phối bởi các dịch vụ khác”, Lee cho biết, anh nhắc tới Alipay và WeChat Pay tại Trung Quốc, Venmo ở Mỹ hay Revolut ở Châu Âu.
Và với hơn một nửa số người trưởng thành ở Đông Nam Á chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, đó lại là một số khoảng trống cần lấp đầy.