Sau Huawei, lộ diện thêm 5 công ty Trung Quốc "chịu đòn" trừng phạt của Mỹ

Thy Hằng 23/05/2019 11:10

Sau Huawei, thêm 5 công ty công nghệ nữa của Trung Quốc vừa lọt vào tầm ngắm bị Mỹ trừng phạt trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng nóng bỏng.

Theo đó, 5 doanh nghiệp được cho là có khả năng lọt vào “danh sách” đen là 2 công ty chuyên sản xuất các thiết bị giám sát là Hikvision (Hải Khang Uy Thị) và Zhejiang Dahua (Đại Hoa Chiết Giang). Ba công ty còn lại tuy chưa được nêu rõ tên nhưng theo truyền thông Mỹ thì đó có thể là Tencent (Đằng Tấn), iCarbonX (Khôi Vân) và SenseTime (Thương Thang).

Sau Huawei, Hikvision chính là cái tên

Sau Huawei, Hikvision "chịu đòn" trừng phạt từ Chính quyền Mỹ với giá trị cổ phiếu mất 10% ngay khi mở cửa thị trường sáng 22/5.

Cụ thể, New York Times ngày 22/5 đưa tin, Mỹ có thể cân nhắc các biện trừng phạt như hạn chế hãng chuyên sản xuất thiết bị giám sát Hikvision của Trung Quốc mua công nghệ của Mỹ. Báo này viết, chính phủ Mỹ có kế hoạch đưa Hikvision vào bản “danh sách đen”. Lý do trừng phạt Hikvision được cho là vì Hikvision đã tham gia vào việc kiểm soát, bắt bớ người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tân Cương.

Ngoài Hikvision, Bloomberg thậm chí còn đưa tin, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét “chặt đứt” việc cung ứng công nghệ cho Zhejiang Dahua (Đại Hoa Chiết Giang).

Ba công ty còn lại tuy chưa được nêu rõ tên nhưng theo truyền thông Mỹ thì đó có thể là là công ty internet lớn nhất của Trung Quốc Tencent (Đằng Tấn) và iCarbonX (Khôi Vân), SenseTime (Thương Thang) hai công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI).

Với Hikvision, công ty này có trị giá thị trường trên 37 tỷ USD, tự nhận mình là hãng sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới. Hikvision cũng là công ty đi đầu trên thế giới cung cấp thiết bị để giải quyết phương án cốt lõi liên kết mạng bằng hình ảnh. Do đó, nếu Hikvision bị đưa vào danh sách đen thì bất cứ công ty nào bán thiết bị hay linh kiện cho Hikvision cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ, được phê chuẩn mới được bán. 

Ngay sau khi có thông tin nói rằng Hikvision có thể bị trừng phạt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Mỹ tạo ra một môi trường công bằng cho các công ty Trung Quốc. “Gần đây Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ rõ phản đối cách làm của Mỹ lạm dụng sức mạnh quốc gia, tùy tiện bôi đen và áp chế các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc. Thái độ của Trung Quốc là rất rõ ràng và nhất quán”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.

Tuy nhiên, chưa chờ đợi những hối thúc từ phía Chính quyền Trung Quốc có hiệu quả, thì cổ phiếu của Hikvision, với 42% do các công ty nhà nước sở hữu, đã mất 10% giá trị khi mở cửa thị trường sáng 22/5.

Hiện Hikvision có các công ty chi nhánh tại 34 thành phố của Trung Quốc và có các công ty 100% vốn hoặc chung vốn tại Hongkong, Ấn Độ và Los Angeles (Mỹ), công ty đang tiếp tục kế hoạch thiết lập nhiều chi nhánh trên toàn cầu. Hiện Hikvision có 34 ngàn nhân viên ở trong, ngoài nước.

Tính đến năm 2018, Hikvision liên tục 7 năm liền đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị giám sát, hiện chiếm thị phần 22,61% toàn thế giới; từ 2018, Hikvision bắt đầu phát triển các nghiệp vụ mới sản xuất người máy và dữ liệu thông minh. Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 22.5 cho biết, doanh thu ở nước ngoài của Hikvision năm 2018 chiếm 28,47% tổng doanh thu của công ty, trong đó thị trường Mỹ chiếm 20% nghiệp vụ ở bên ngoài Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao lại là Huawei?

    Vì sao lại là Huawei?

    07:10, 22/05/2019

  • Lý do đằng sau việc Mỹ “nhượng bộ” Huawei?

    Lý do đằng sau việc Mỹ “nhượng bộ” Huawei?

    03:18, 22/05/2019

  • Thị trường Smartphone Việt có bị ảnh hưởng bởi vụ Huawei?

    Thị trường Smartphone Việt có bị ảnh hưởng bởi vụ Huawei?

    14:45, 21/05/2019

  • Thương chiến Mỹ - Trung và

    Thương chiến Mỹ - Trung và "ám ảnh" Huawei

    11:37, 21/05/2019

  • Huawei và Apple nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

    Huawei và Apple nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

    03:13, 21/05/2019

Sau thông tin được đưa ra, Hikvision ra tuyên bố: “Chúng tôi đã chú ý tới các thông tin liên quan và mong công ty được đối xử công bằng, công chính. Là một công ty thương mại, Hikvision luôn giữ bổn phận công ty thương mại của mình”.

Đặc biệt, phía Hikvision cũng phủ nhận thông tin của phía Mỹ chỉ trích các thiết bị của họ được sử dụng vào việc giám sát, khống chế người Hồi giáo ở Tân Cương. “Công ty chưa từng bị bất cứ chính phủ nào hay tổ chức nhân quyền nào điều tra về cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Tân Cương; cũng chưa từng có cơ quan truyền thông nước ngoài nào đưa tin chân thực, toàn diện về vấn đề này liên quan đến Hikvision. Chúng tôi là hãng cung ứng sản phẩm, chưa từng có bất cứ hành vi không thích hợp nào ở Tân Cương. Trước đây, hiện nay và sau này, công ty cũng sẽ không dùng xâm phạm nhân quyền làm điều kiện để tiến hành nghiệp vụ kinh doanh. Công ty cũng đã chủ động mời các nhân sĩ chuyên môn của Mỹ tiến hành thẩm tra độc lập về nghiệp vụ của công ty tại Tân Cương; sau khi các nhân sĩ này có được chứng cứ đầy đủ sẽ trả lời sự quan tâm của các bên liên quan ở nước ngoài”, Tuyên bố viết.

Được biết, ngoài Hikvision, Zhejiang Dahua cũng là cái tên được nêu tên cụ thể trong một lá thư gửi các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, do hơn 40 nghị sĩ ký tên, trong đó kêu gọi Mỹ kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn để đáp trả sự đối xử của Trung Quốc đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo.

Động thái của Chính quyền Mỹ bắt đầu khi hồi tuần trước, Mỹ đã đưa Huawei, công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc và cũng là một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới, vào “danh sách đen” thương mại, cấm các công ty Mỹ làm ăn với hãng này, khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung “tăng nhiệt”. 

Mỹ đã cáo buộc Huawei có các hành động đi ngược với an ninh quốc gia nước này, điều mà hãng viễn thông Trung Quốc bác bỏ. Tuy nhiên, tuần này chính quyền Trump đã cho phép trung tâm mua các hàng hóa Mỹ cho tới ngày 19/8 để giảm thiểu sự tác động đối với khách hàng.

Trung Quốc "gặp khó" trong chuyển đổi cấu trúc kinh tế sang công nghệ cao 

Chiến lược “Made in China 2025” mà Trung Quốc công bố năm 2015 nhằm đưa nước này trở thành tiên phong về công nghệ vào năm 2025 khiến chính quyền Trump hết sức lo ngại.

Chiến lược này muốn Trung Quốc trở thành người dẫn đầu trong các lĩnh vực tin học và viễn thông, vũ trụ, robot, ô tô điện, năng lượng sạch, dược phẩm, và cả trí tuệ nhân tạo. Một kế hoạch đầy tham vọng trở thành một siêu cường vượt cả Mỹ. Đây chính là lý do chính quyền Trump đang có nhiều hành động chống lại các hoạt động thương mại và đầu tư từ và với Trung Quốc trong thời gian gần đây. 

Việc Trump ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 15/5/2019 vừa rồi cấm các công ty Mỹ mua và sử dụng các thiết bị công nghệ viễn thông, tin học có nguy cơ anh như đề cập ở trên là nằm trong nỗ lực này.

Như vậy lĩnh vực công nghệ cao vừa là vấn đề thâm hụt thương mại, vừa là vấn đề vị thế, vừa là vấn đề an ninh quốc gia đối với Mỹ. Đó là lý do Trump nói sẽ có nhiều hạn chế đối với Trung Quốc vào lĩnh vực này. Nếu tấn công vào lĩnh vực này, Trump sẽ đạt được nhiều mục đích: cân bằng thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia, kiềm chế được Trung Quốc và duy trì được vị thế dẫn đầu thế giới của nước Mỹ. Còn đối với Trung Quốc thì ngược lại sẽ gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng sẽ gặp khó khăn hơn và chậm hơn so với mong muốn, và quan trọng hơn quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang công nghệ cao và dịch vụ nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trở nên hết sức khó khăn.  Hơn nữa, trong trung hạn có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, thậm chí, khủng hoảng vì tình trạng vỡ nợ có thể trở nên khó kiểm soát.

                                                                                                                          TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau Huawei, lộ diện thêm 5 công ty Trung Quốc "chịu đòn" trừng phạt của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO