Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu?

Diendandoanhnghiep.vn Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xung quanh những đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Mục đích là thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra từ tổng kết thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

- Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc đã dẫn đến làn sóng nhận BHXH một lần. Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có những đề xuất gì để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thưa Bộ trưởng?

Sau 5 năm thực hiện Luật BHXH, từ 2016 - 2020, tổng số người hưởng BHXH 1 lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH. Một số địa phương có số người hưởng BHXH 1 lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...

Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh, còn do điều kiện hưởng BHXH một lần hiện nay không khuyến khích người lao động tích lũy năm đóng để hưởng lương hưu khi về già. Chế độ BHXH một lần được thực hiện theo quy định tại điều 60, điều 77 luật BHXH. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, trước phản ứng của công nhân lao động, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi trong Nghị quyết số 93/2015/QH13, theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu tiền BHXH để hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH một lần. Theo đó, chúng tôi đề xuất sẽ điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần; có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần với người lao động tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

-  Nhưng quy định nộp BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu hiện nay quá khắt khe và quá dài, thưa ông?

Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đặt ra mục tiêu là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội và đến năm 2025 con số này tăng lên 55%. Nghị quyết cũng chỉ rõ, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Đây là một thách thức lớn, trong khi chính sách BHXH còn nhiều bất cập, chưa phù hợp tốc độ già hóa dân số.

Hiện nay, Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 quy định, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.

Trên thực tế, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cùng với tác động kinh tế khiến nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.

Chính vì thế, theo tính toán, nếu thay đổi phương án giảm dần số năm đóng BHXH sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn, nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng, người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để họ tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già.

Việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội với mục tiêu đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.

- Chế độ lương hưu hiện nay có nhiều bất cập do việc tham gia đóng BHXH khác nhau ở từng giai đoạn, cộng với sự trượt giá của đồng tiền làm cho khoảng cách đóng - hưởng chênh lệch hơn. Vậy phương án điều chỉnh lương hưu sẽ được tính toán ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án.

Phương án thứ nhất là áp dụng mức tăng 10% từ ngày 01/7/2012, đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm ước hơn 3 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2021 là trên 189.000 tỷ đồng.

Phương án thứ hai chúng tôi đưa ra là mức tăng 15%, thực hiện từ ngày 01/01/2022, đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm ước khoảng 3.1 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là trên 215.000 tỷ đồng.

Sau khi họp bàn phân tích các ưu nhược điểm, chúng tôi chọn phương án 2 vì không quá tạo áp lực cho ngân sách nhà nước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, mức tăng 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và 2021 do trong năm 2020 và 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, đồng thời mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong 3 năm 2019, 2020 và 2021 và phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.

Như vậy, mức đề xuất tăng 15% nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng, do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm trước và do trong năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH.

Chúng tôi tin rằng, với những cơ sở sửa đổi như vậy, những bất cập hạn chế hiện nay sẽ được giải quyết và quyền lợi lâu dàu của người lao động sẽ được đảm bảo.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích: kể cả khi đã đóng đủ 15, 10 năm BHXH thì không đồng nghĩa người lao động sẽ có lương hưu, nếu chưa đủ tuổi hưu. Mặt khác nếu thời gian đóng mà ngắn thì hiển nhiên chế độ lương hưu chắc chắn cũng không thể cao. Bởi báo cáo của BHXH Việt Nam cũng thừa nhận có tình trạng chênh lệch khá lớn về lương hưu, có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu và có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá cao. Điều này đã dẫn đến tình trạng người hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn.

Như vậy, ngoài việc sửa đổi thời gian đóng bảo hiểm phù hợp với các đối tượng khác nhau thì thiết nghĩ cũng cần tính toán để người lao động sau này nhận lương hưu hợp lý, đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu dù vẫn theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp, không đóng không hưởng nhưng phải tính đến yếu tố an sinh xã hội. Bởi nếu lương hưu, với một bộ phận không nhỏ, đang thấp dưới cả chuẩn nghèo thì làm sao hấp dẫn được người lao động?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711660150 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711660150 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10