Nhà tuyển dụng tìm kiếm kỹ năng và tố chất gì ở người xin việc? Người trong ngành này làm gì hàng ngày? là những băn khoăn thường thấy của sinh viên. Câu trả lời chính xác nhất sẽ đến từ những người đã đi làm và dày dặn kinh nghiệm trong ngành.
Đây chính là lý do chương trình “Cố vấn nghề nghiệp” của đại học RMIT Việt Nam ra đời.
Khi Eugenia Ferracin, sinh viên cao học, biết về chương trình cố vấn nghề nghiệp, cô biết ngay rằng chương trình có thể giúp cô trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Là người Ý nhưng đã chuyển đến sống tại Việt Nam từ năm ngoái, Eugenia xem chương trình cố vấn nghề nghiệp là cơ hội để mở rộng nền tảng kiến thức cho bản thân.
Eugenia hiện đang học Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại RMIT Việt Nam và mong muốn đi sâu vào các lĩnh vực như marketing, truyền thông và CSR - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Khi biết về chương trình, tôi nghĩ ngay đây có thể là cơ hội thú vị để tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam”, Eugenia nhớ lại.
Qua chương trình Cố vấn nghề nghiệp RMIT, sinh viên cao học Eugenia Ferracin đang tìm hiểu thêm về mảng khởi nghiệp sôi động ở Việt Nam.
Đặc biệt muốn tìm hiểu về mảng khởi nghiệp đang diễn ra sôi động ở Việt Nam, cô đã chọn Annie Hansen, một chủ doanh nghiệp xây dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam và Thái lan, làm cố vấn cho mình. Doanh nghiệp mới nhất mà bà Annie đang làm là Evolve Mobility.
Eugenia chia sẻ: “Buổi gặp đầu tiên với bà Annie rất khả quan. Tôi rất ấn tượng với tính cách và thái độ tích cực của bà. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, bà đã mời tôi tham gia cuộc họp với một đối tác tiềm năng. Thật ấn tượng khi được chứng kiến bà làm việc thật sự”.
“Thế giới khởi nghiệp khá mới mẻ với tôi nên tôi hy vọng có thể tìm hiểu cách những doanh nghiệp nhỏ này vận hành như thế nào để tạo ra thay đổi cho mặt bằng kinh tế chung”. - cô nói.
Eugenia chia sẻ rằng đến thời điểm này chương trình cố vấn nghề nghiệp đã đem đến những tác động tích cực: “Khả năng xác định thời gian và mục tiêu của chương trình trực tiếp với cố vấn nghề nghiệp, cũng như theo dõi được tiến triển của quá trình hướng đến mục tiêu mong muốn, khiến chương trình hết sức linh hoạt, thích hợp và hữu ích với sinh viên được cố vấn”.
Sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Trần Ngọc Phúc An (phải) hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của bạn sau khi làm việc với cố vấn nghề nghiệp của mình – bà Felicity Brown, Trưởng bộ phận Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nghề nghiệp tại RMIT Việt Nam.
Trong buổi ra mắt lại Chương trình Cố vấn nghề nghiệp của Đại học RMIT Việt Nam gần đây, trường cũng giới thiệu kênh kết nối trực tuyến giúp sinh viên và chuyên gia trong các ngành nghề tìm người thích hợp cũng như duy trì mối quan hệ dễ dàng hơn. Chương trình dành cho cả sinh viên đại học và cao học với mong muốn hỗ trợ sinh viên hiểu hơn về thực tế các ngành nghề, đồng thời định hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Ông Phạm Khánh Hòa, Sáng lập và Giám đốc điều hành WISAMI, đồng thời là một cố vấn nghề nghiệp của chương trình chia sẻ: “Đây là một chương trình rất hữu ích cho các bạn trẻ. RMIT Việt Nam có lẽ là trường đại học đầu tiên và duy nhất cung cấp chương trình một cách chuyên nghiệp, đều đặn và bài bản như thế này. Làm việc cùng với những bạn sinh viên trẻ trung, tôi cảm thấy suy nghĩ của mình được làm mới. Đôi khi tôi ước giá mà hồi tôi trẻ như các bạn có một chương trình như thế này.”
Sinh viên hoàn tất thành công chương trình cố vấn nghề nghiệp kéo dài 12 tuần cũng như thỏa mãn các yêu cầu khác sẽ được ghi nhận trong học bạ sau khi tốt nghiệp.
Với Trần Ngọc Phúc An, sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, chương trình cố vấn nghề nghiệp lại giúp bạn thu hẹp các lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. An nói: “Tôi thực sự có chút ít kinh nghiệm (trong làm việc với doanh nghiệp gia đình). Tôi thích nhiều mảng khác nhau như nhà hàng và khách sạn, và tôi còn có thể làm những việc như dịch thuật, biên tập kỹ thuật và biên tập, nhưng không thực sự biết về yêu cầu chi tiết của những công việc này”.
“Trong danh sách các chuyên gia có trên kênh đăng ký trực tuyến, tôi chọn cố vấn của mình vì bà có kiến thức tư vấn nghề nghiệp khi điều hành doanh nghiệp chuyên về tư vấn và huấn luyện của riêng mình”, An chia sẻ thêm.
“Chúng tôi gặp nhau hầu như mỗi tuần trong ba tháng. Thay vì bảo tôi làm gì, bà lắng nghe và đặt ra hàng loạt câu hỏi có chủ ý, còn tôi là người phải đặt mục tiêu cho quá trình cố vấn và sắp đặt các cuộc gặp hàng tuần. Lúc đầu cũng không dễ dàng, nhưng chủ động đặt mục tiêu cũng như suy ngẫm sau mỗi buổi gặp giúp tôi nhận ra mình cần tập trung vào điều gì”. - An cho biết.
Hiện An đã hiểu ra rằng bạn cần tập trung tích lũy thêm kiến thức về du lịch và kinh nghiệm tổ chức sự kiện, và nếu có thể sẽ học thêm ngôn ngữ mới.
Với các bạn học cùng trường, An khuyến khích các bạn: “Chủ động tham gia chương trình Cố vấn nghề nghiệp có lợi cho các bạn về cả mặt chuyên môn lẫn riêng tư. Bạn không chỉ có được lời khuyên về chuyên môn, mà còn có thêm một người bạn có thể hướng dẫn bạn qua những giai đoạn rối rắm hoặc chưa rõ ràng trong sự nghiệp của mình”.
Được biết, có rất nhiều cặp cố vấn nghề nghiệp và sinh viên mới vừa “ghép đôi” thành công sau sự kiện Matching Night (Kết nối cố vấn nghề nghiệp và sinh viên) tại cả hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội.