Sớm ban hành Luật PPP để thu hút đầu tư

Quốc Anh 05/01/2020 00:00

Việc ban hành một luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tính trạng "vay mượn" quy định của luật khác trong quá trình áp dụng là yêu cầu cấp bách.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, vốn hỗ trợ chính thức ODA sắp hết thì hình thức PPP huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng do còn nhiều điểm nghẽn pháp lý nên phương thức đầu tư này đến nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.

p/Đến nay, hơn 1,6 triệu tỷ đồng từ khu vực tư nhân đã được huy động, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.

Đến nay, hơn 1,6 triệu tỷ đồng từ khu vực tư nhân đã được huy động, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.

Việt Nam đang xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Viết tắt là Luật PPP) và dự thảo Luật này đã được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019 với 12 chương và 102 điều. Hiện tại Luật PPP vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm đi vào cuộc sống.

Cần “kéo” khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dù Luật PPP còn đang hoàn thiện nhưng nhiều địa phương đã triển khai thành công mô hình này, đó là mô hình chuyển đổi cơ cấu và quản lý đầu tư từ “đầu tư công - quản lý công” sang “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư”, “Đầu tư tư - sử dụng công”.

Đơn cử, mô hình “Đầu tư công - quản lý tư” hay còn gọi là hình thức: Thuê - phát triển - Vận hành. Theo đó, doanh nghiêp trúng thầu (đối tác tư nhân) thuê tài sản hiện có sẵn của nhà nước thông qua Hợp đồng hợp tác công tư. Đối tác tư có trách nhiệm xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, khai thác công trình, dự án trong một thời gian nhất định với những điều kiện do nhà nước và đối tác tư nhân thoả thuận. Mô hình này đang được triển khai hiệu quả tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý, chăm sóc, duy trì cây xanh và khai thác dịch vụ trong Công viên Hữu Nghị, Quản lý khu du lịch Trà Cổ,...

Hay như mô hình “đầu tư tư - sử dụng công”, là mô hình chính quyền cho nhà đầu tư thuê đất để xây dựng hạ tầng, thường là trụ sở liên cơ quan, rồi thuê lại công trình theo giá thoả thuận đôi bên cùng có lợi. Với hình thức này, nhà nước không phải bỏ ra một lúc số vốn lớn, không phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa... công trình, song vẫn có công trình hiện đại, hiệu quả và ý nghĩa. Qua đó, giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm thất thoát trong quá trình đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, tập trung vốn cho các công trình động lực và ở vùng đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu cho việc áp dụng mô hình này là việc xây dựng các dự án Liên cơ quan số 3 và 4 do các công ty tư nhân làm chủ đầu tư, sau đó cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh thuê sử dụng làm nơi làm việc của các sở ban ngành.

Cần nhắc lại, theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong những năm tới riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm. Vì vậy, PPP chính là chiếc “chìa khoá” hiệu quả nhất để có thể huy động đủ số vốn này.

Mong Luật PPP sớm đi vào cuộc sống

Nhưng thực tế hiện nay, điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư PPP là vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Không kể những biến tướng của các dự án BOT giao thông, về cơ bản, cơ chế hiện hành chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng là các nhà đầu tư với rủi ro tiềm ẩn rất lớn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài hơn chục năm qua vẫn đứng ngoài "cuộc chơi" đầu tư hạ tầng giao thông.

Nguyên nhân cơ bản là đến nay chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư theo PPP, dẫn đến xung đột lợi ích gay gắt giữa các bên tham gia. Thậm chí, không ít dự án phải dừng lại vì chưa có đủ căn cứ pháp lý giải quyết triệt để vướng mắc. Quy định cho hoạt động PPP hiện mới chỉ dừng ở cấp nghị định và được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành.

Việc ban hành một luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tính trạng "vay mượn" quy định của luật khác trong quá trình áp dụng là yêu cầu cấp bách. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không quốc gia nào có đủ ngân sách để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho nên phải có cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội và Việt Nam không ngoại lệ.

Muốn vậy, cần nghiên cứu thấu đáo để sớm ban hành Luật Đầu tư PPP, hình thành khung pháp lý ổn định làm căn cứ khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Yêu cầu đặt ra đối với luật là phải bảo đảm hoạt động đầu tư PPP công khai, minh bạch, hiệu qủa, hạn chế tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước và tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật:
Chưa có luật cho hình thức đầu tư PPP là hạn chế rất lớn

Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, những năm qua, ngành GTVT đã huy động được khoảng 210.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, BT. Các dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã có sự đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những mặt tích cực, các dự án BOT giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, đánh giá để xử lý các tồn tại.

Nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, bất cập của dự án BOT giao thông trong thời gian qua xuất phát từ việc khung pháp lý cao nhất của hình thức đầu tư mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư, chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh. Vòng đời của một dự án BOT giao thông thường kéo dài khoảng 10 – 15 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại chưa có luật cho hình thức đầu tư này là hạn chế rất lớn. 

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH):
Phải bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư

Khó khăn nhất hiện nay là việc tìm nguồn vốn ở đâu để đầu tư cho các dự án lớn trong bối cảnh chúng ta không chế trần nợ công, nợ Chính phủ và hạn chế bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, khi Luật PPP ra đời sẽ giải bài toán này.

Luật PPP bắt đầu manh nha từ kỳ họp này và dự kiến chúng ta sẽ thông qua 2 kỳ họp. Một trong những vấn đề đặt ra của Luật PPP là chúng ta muốn huy động nguồn vốn bên ngoài Nhà nước vào, thì phải có cơ chế, phải đảm bảo được lợi ích chung và sự an toàn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào cũng mong có lợi nhuận và phải được bảo vệ.

Hiện có hai vấn đề nhà đầu tư muốn được thoả mãn. Thứ nhất là đối với nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng, như giao thông, thời gian dự án rất dài, phụ thuộc rất nhiều yếu tố KT-XH, nhà đầu tư mong muốn được bảo lãnh về doanh thu. Luật PPP sẽ đưa ra quy định bảo lãnh như thế nào, bảo lãnh đến đâu. Mong muốn thứ hai là chuyển đổi ngoại tệ, tôi ủng hộ trên cơ sở thị trường và có sự kiểm soát. 

PGS. TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Có luật sẽ giảm áp lực đầu tư công

Việc ban hành Luật PPP là cần thiết, bởi luật cụ thể hoá, minh bạch sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài Nhà nước. Nên lưu ý, ngoài nhà nước không có nghĩa là tư nhân, mà có thể là các công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Quan trọng nhất là giảm được đầu tư công mà vẫn triển khai được dự án.

Nếu chúng ta hoàn thiện chuẩn mực, Luật PPP sẽ tạo điều kiện để phát triển trở lại các hợp tác PPP, vì vừa qua chúng ta thấy triển khai các dự án BT, BOT gặp một số trở ngại, thậm chí có một số dự án phải dừng. Chúng ta phải sớm thông qua Luật PPP để khởi động trở lại các dự án này.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế: Về ưu đãi và đảm bảo đầu tư

Hiện tại, Dự thảo đã có Điều 76 quy định Bảo đảm cân đối ngoại tệ: lý do, nguồn ngoại tệ để đảm bảo cân đối ngoại tệ và Điều 77 về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.

Tuy nhiên, để PPP hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, tôi cho rằng nhà nước cần bổ sung qui định: Trường hợp nào sẽ được chia sẻ rủi ro? Các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với dự án/doanh thu dự án (do chủ đầu tư hoặc tư vấn lập và cần có thẩm định của Cơ quan chuyên môn).

Dự thảo Luật PPP cần phải làm rõ bản chất dự án PPP là đầu tư công hay đầu tư tư nhân? Trường hợp Chính phủ bảo lãnh doanh thu, khoản bảo lãnh đó có tính vào nợ công?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sớm ban hành Luật PPP để thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO