CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG) vừa hoàn tất thủ tục bán trụ sở chính của Công ty nhằm xử lý dứt nợ khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Ngày 04/07/2018, SSG đã bán trụ sở Công ty tại số 12 Đoàn Như Hài, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh theo Điều 4.4 Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018. Được biết, trụ sở chính có nguyên giá (vô hình và hữu hình) 13.9 tỷ đồng, giá trị còn lại là 12.6 tỷ đồng, tức hơn 90% nguyên giá.
Liên tục lỗ ròng
Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 nêu rõ, SSG phải xử lý dứt điểm nợ vay dài hạn tại VietABank để giảm áp lực tài chính cho Công ty bằng cách giao tàu Sea Dragon cho VietABank, trả 15 tỷ đồng cho VietABank từ số tiền bán trụ sở Công ty.
Theo ý kiến của tổ chức kiểm toán đối với BCTC 2017 của SSG, “khoản lỗ tích lũy đến ngày 31/12/2017 vượt vốn chủ sở hữu số tiền là gần 31 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản số tiền là 31 tỷ đồng. Những điều kiện này, cùng với những vấn đề khác… cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.
Năm 2017, SSG tiếp tục ghi nhận thêm khoản lỗ 8.3 tỷ đồng, là năm thứ 6 liên tiếp thua lỗ với tổng lỗ lũy kế lên gần 80.8 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2017, SSG còn khoản nợ tín dụng đóng tàu Sea Dream hơn 1 triệu USD và vay mua tàu Sea Dragon 3.5 triệu USD. Tổng vốn chủ sở hữu hiện đã âm gần 31 tỷ đồng.
Trong 6 năm gần nhất, tình hình kinh doanh của Vận tải biển Hải Âu liên tục báo lỗ ròng, trong 6 năm qua công ty đã lỗ tổng cộng hơn 81 tỷ đồng, tương đương số lỗ lũy kế đến cuối năm 2017. Trong năm gần nhất 2017, Hải Âu ghi nhận 42 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với năm trước và báo lỗ ròng 8,3 tỷ đồng, đánh dấu năm thua lỗ thứ 6 liên tiếp.
Ngoài Công ty cổ phần Vận tải Biển Hải Âu, hàng loạt “tên tuổi” trong ngành kinh doanh vận tải biển như Công ty cổ phần Vận tải & thuê tàu biển Việt Nam (VST), Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc (NOS), Công ty cổ phần Vận tải Biển & BĐS Việt Hải (VSP), Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship… cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.
“Đuối” vì tàu nhiều, hàng ít, giá cước giảm
Các chuyên gia kinh tế hàng hải nhận định, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản do số tàu vận tải nhiều, lượng hàng tăng trưởng không lớn, giá cước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn.
Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đội tàu biển Việt Nam hiện mới chỉ nắm được khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Để giải bài toán khó khăn này, theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), việc đầu tiên là tập trung khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng mà trực tiếp là điều chỉnh lại cách công bố luồng. Thay vì công bố theo tải trọng tàu thì luồng sẽ được công bố trên cơ sở thông số kỹ thuật của luồng như bề rộng luồng, độ sâu, bán kính cong…
Trên cơ sở đó, các cảng vụ, chủ tàu, đại lý, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải… căn cứ vào đó để xem xét cho các tàu lớn hơn đảm bảo ra vào. Với những giải pháp đó, vừa qua một loạt các tàu lớn ra vào cảng đều đảm bảo an toàn. Tàu lớn vào đã đem lại hiệu quả như giá cước giảm, cơ sở hạ tầng được khai thác hiệu quả, số thu từ phí cảng vụ và phí đảm bảo hàng hải tăng lên.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm chi phí; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp cảng biển, các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hóa nhằm thống nhất nguyên tắc điều chỉnh lại giá dịch vụ cảng biển theo hướng tăng để đảm bảo lợi ích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tái cơ cấu và khả năng đổi mới công nghệ.