Chỉ một thời gian ngắn, thông tin một số startup đã tuyên bố dừng hoạt động như WeWork, WeFit, Leflair... làm dấy lên mối quan ngại: Liệu các startup có còn cơ hội nhận rót vốn từ các nhà đầu tư?
Những cú ngã khó gượng dậy
Ngày 11/5/2020, startup WeFit tuyên bố dừng hoạt động tất cả sản phẩm của mình, bao gồm WeFit, WeFit Point, WeFit Pago hay WeJoy. Từng gọi vốn thành công lên tới cả triệu USD nhưng WeFit vẫn "ngã ngựa" giữa chừng vì mô hình kinh doanh nhiều lỗ hổng. Đây cũng là cái kết "không có hậu" với startup của founder Khôi Nguyễn.
Năm 2016, Khôi Nguyễn cùng các cộng sự thành lập WeFit - ứng dụng được xây dựng theo nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ, phục vụ cả hai đối tượng là người tập và các đơn vị cung cấp dịch vụ thể dục.Tuy nhiên, do bản chất là thu hộ từ khách hàng cho phòng tập, WeFit thu một cục (bán thẻ) cho khách hàng, sau đó trả tiền cho phòng tập theo từng buổi nên "điểm chết" của mô hình kinh doanh này đã nhanh chóng lộ diện khi booking ảo quá nhiều, nhiều người dùng chung một tài khoản, dẫn tới có account tập cả trăm buổi một tháng, vượt quá nhiều số tiền thu.
Thực ra, WeFit đã nhìn ra điểm yếu và đã có kế hoạch thay đổi chiến lược, kêu gọi vốn đầu tư mới. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ập đến đã nhanh chóng nhấn chìm startup non trẻ này và khó có cơ hội vực dậy.
Trước đó, một startup mới nổi là WeWork cũng rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn và phải đàm phán lại một số thỏa thuận thanh toán chậm cho một số chủ nhà, cùng theo đó Tập đoàn SoftBank cũng đã hủy bỏ thỏa thuận chi 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu WeWork. Mặc dù hai CEO thay thế sáng lập WeWork cho biết sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên, tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nhưng cơ hội của WeWork có lẽ đã hết. Tờ The Economist đánh giá startup này có khả năng phá sản.
Dù đã gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD, từng thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng tại Việt Nam nhưng Leflair - trang web chuyên bán hàng hiệu, được sáng lập bởi hai doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun cũng đã ngưng hoạt động do áp lực về nguồn vốn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành. Nhiều nhận định khả năng Leflair trở lại "đường đua" là khó có thể.
Trước những thất bại của startup, nhất là sau COVID-19, hầu hết nhà đầu tư đều thận trọng rót vốn vào các startup. Một thông tin cho biết, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, vốn đầu tư từ các công ty công nghệ châu Á giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Tan Yinglan - đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners: "Xu hướng đầu tư thận trọng hơn vào startup đã bắt đầu sau vụ WeWork và sau COVID-19 thì những chiếc dây thắt lưng buộc bụng của nhà đầu tư càng chặt hơn. Qua rồi cái thời tăng trưởng bằng mọi giá, ngay cả những công ty đã được định giá tỷ đô trong khu vực giờ cũng chịu áp lực vạch ra con đường kiếm lợi nhuận".
Báo cáo mới nhất của Cento Research cho thấy, tổng vốn đầu tư vào các công ty công nghệ châu Á vào cuối năm 2019 chỉ còn 7,7 USD, giảm 36% so với năm trước. Ông Tan Yinglan cũng cho rằng, sau giai đoạn thăm dò thì giờ đây, các nhà đầu tư đã hiểu biết nhất định về Việt Nam và đặt yêu cầu cao hơn về chất lượng, nên một số startup sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gọi vốn so với cách đây hai năm, đặc biệt là với các công ty kêu gọi vòng gọi vốn từ giữa, tức vòng gọi vốn B và C thường trị giá vài chục USD trở lên.
Tuy nhiên, không phải tất cả startup đều khó kêu gọi vốn, cuối tháng 4/2020, Thuocsi - nền tảng phân phối dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam (thuocsi.vn), đã trở thành startup đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách startup được quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia rót vốn, trong khuôn khổ Surge.
Xu hướng đầu tư thận trọng hơn vào startup đã bắt đầu sau vụ WeWork và sau COVID-19 thì những chiếc dây thắt lưng buộc bụng của nhà đầu tư càng chặt hơn. Qua rồi cái thời tăng trưởng bằng mọi giá, ngay cả những công ty đã được định giá tỷ đô trong khu vực giờ cũng chịu áp lực vạch ra con đường kiếm lợi nhuận".
Hay như Igloo vốn được đánh giá có tiềm năng kinh doanh mạnh mẽ dựa trên thị trường bảo hiểm kỹ thuật số đang tăng trưởng mạnh của khu vực Đông Nam Á với giá trị hiện tại là 2 tỷ USD, dự kiến tăng tới 8 tỷ USD vào năm 2025 cũng vừa gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư mới như Singtel Innov8, Cathay Innovation và Partech Partners .
Giám đốc một quỹ đầu tư startup cho biết, vấn đề của các startup hiện nay là duy trì công ty và bảo hòa dòng vốn. Trong trường hợp cần vốn thì có thể tìm các nhà đầu tư đã đầu tư vào công ty của bạn trước đó hoặc là vay vốn, phát hành trái phiếu như việc startup F88 sau khi hoàn tất phát hành trái phiếu đợt 2 với giá trị gần 50 tỷ đồng, F88 đã sử dụng ngay dòng vốn này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho vay cầm cố tài sản trên toàn hệ thống. Trong năm 2019, F88 cũng đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm.