Bảng xếp hạng những công ty IT có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 2020 đã nói lên nhiều điều.
Bước nhảy vọt của Grab Việt Nam
Hàng năm, chuyên trang việc làm dành cho giới công nghệ ITViec.com đều bình chọn danh sách những công ty IT có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam. Tiêu chí đánh giá của ITViec bao gồm môi trường làm việc tốt, sự yêu thích của nhân viên khi đi làm mỗi ngày, thông qua nghiên cứu khảo sát.
Các tiêu chí cụ thể hơn bao gồm: chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc (bao gồm cả văn phòng, không gian làm việc), văn hóa công ty, mối quan hệ giữa ban lãnh đạo với nhân viên, chế độ làm thêm ngoài giờ (OT), cùng một số yếu tố khác
Hơn 11.000 nhân viên từ hơn 1.000 công ty công nghệ tại Việt Nam đã được khảo sát. Từ câu trả lời của chính nhân viên, các công ty sẽ đạt những điểm số nhất định.
Mới đây, ITViec đã đưa ra danh sách top 15 trong năm 2020. Đáng chú ý, có tới 8 cái tên mới trong danh sách. Điều này chứng tỏ rằng cuộc cạnh tranh giữa các công ty công nghệ để tạo ra môi trường làm việc cho nhân viên ngày một khốc liệt.
Với điểm số đánh giá gần như tuyệt đối 4,8/5, Grab Việt Nam là cái tên dẫn đầu trong bảng danh sách. Ngoài ra, 97% người tham gia khảo sát khuyến nghị nên làm việc tại Grab.
"Nếu các bạn muốn làm việc với những người giỏi nhất, hãy tìm đến đây. Grab khuyến khích mọi người cởi mở và tạo ra môi trường minh bạch. Những đoạn code bạn viết sẽ góp phần làm thay đổi công ty", ITViec đưa ra đánh giá cho Grab, công ty có điểm số cao nhất trong danh sách.
Grab đang có khoảng 1.000 nhân viên làm việc tại Việt Nam, cũng như đang cung cấp một hệ sinh thái siêu ứng dụng bao gồm nhiều dịch vụ thiết yếu cho người dùng.
Năm 2017, Grab đã thành lập trung tâm R&D đặt tại TP.HCM nhằm thu hút và phát huy năng lực của các tài năng công nghệ trong nước, hướng đến tạo ra những trải nghiệm người dùng dành riêng cho khách hàng Việt Nam và gia tăng trải nghiệm cho người dùng khắp Đông Nam Á.
Xếp ngay sau Grab Việt Nam là những cái tên tương đối quen thuộc, lần lượt là NFQ Asia, Bocasay và Knorek. Đây là những công ty đã xếp các vị trí thứ 1, 2 và 6 vào năm 2019.
Những cái tên mới
Bất ngờ đến ở cái tên xếp hạng 5. Haravan đã nhảy vọt từ ngoài top 15 năm ngoái lên vị trí thứ 5, chỉ sau 4 cái tên "quen mặt" trên. Ngoài ra, Haravan cũng là công ty "gốc" Việt Nam duy nhất có tên trong sách năm nay.
Thành lập từ năm 2014 và có lịch sử tương đối non trẻ, Haravan là một công ty SaaS cung cấp nền tảng thương mại One-Stop và tập trung vào phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup và các nhà bán lẻ. Các khách hàng lớn của Haravan phải kể đến như Vinamilk, AEON, Biti's.
Haravan không phải là cái tên mới duy nhất trong danh sách. Thậm chí, trong top 15 cái tên trong danh sách những IT có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 2020 thì có tới 7 cái tên mới, chiếm gần một nửa.
Trên thực tế, có những cái tên "mới" này lại không phải là những thương hiệu quá xa lạ với người tiêu dùng. Đó chính là LG hay công ty kiểm toán KPMG. Theo đánh giá của ITViec, cả hai đều tạo ra môi trường có cơ hội thăng tiến cao và có chế độ đãi ngộ tốt.
Restaff, Netcompany, Hybird Technologies và Isobar Commerce là những cái tên mới khác trong danh sách.
Trong khi các cái tên mới đều có những bước tiến lớn, dường như những công ty "quen mặt" trong danh sách lại có phần đi xuống. Cụ thể hơn, Zalora với điểm số 4,5 vào năm 2019 đã giảm xuống còn 4,3; Cinnamon AI Labs giảm từ 4,3 xuống 3,7; Techbase giảm từ 4,3 xuống 3,6.
Sự trỗi dậy của các công ty không thuần công nghệ
Rõ ràng Grab không phải là một công ty "thuần" về IT trong danh sách. Nói một cách khác, bộ phận IT của Grab nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ viết phần mềm chuyên dụng để chính công ty vận hành thay vì việc sử dụng phần mềm đó bán cho một đơn vị khác sử dụng, vận hành.
Nhìn vào bảng danh sách top 15 công ty IT có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, rõ ràng xu thế các doanh nghiệp kiểu như Grab ngày một nổi trội. Có thể kể ra LG (sản xuất đồ điện tử), KPMG (kiểm toán), Zalora (bán lẻ) là những cái tên nổi bật.
Điểm đáng nói là tất cả các công ty đều có bước tiến vượt bậc trong năm 2020, hoặc chí ít là giậm chân tại chỗ (Zalora tụt từ hạng 8 xuống hạng 9). Những công ty không "thuần" về công nghệ đang có xu hướng tạo ra cuộc cạnh tranh mới về môi trường làm việc cho nhân viên để thu hút nhân tài và giữ chân nhân sự chất lượng.