Kết thúc năm 2023 GDP của Việt Nam tăng 5,05% đạt tương đương 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.284,5 USD, tăng 160USD so với năm 2022,
>>>VCCI luôn đồng hành và thúc đẩy kinh doanh tuân thủ pháp luật
Việt Nam đã bước vào ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy một thời kỳ mới của Việt Nam bắt đầu!
Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm các nước có thu nhập trung bình cao có Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người hàng năm từ 4.046 USD đến 12.535 USD. Tổng thu nhập quốc gia GNI có cách tính khác với Tổng sản phẩm quốc nội GDP và nhìn chung thường thấp hơn GDP đối với các nước đang phát triển. Năm 2022, Việt Nam có GDP bình quân đầu người đạt 4.124 USD, nhưng GNI bình quân đầu người theo công bố của WB ước đạt 4.010 USD.
Với kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2023, dù WB chưa công bố chỉ số GNI, nhưng chúng ta cũng thấy Việt Nam đã bước vào năm 2024 trong đội ngũ các nước có thu nhập trung bình cao, đây là tín hiệu đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ mới. Bên cạnh số liệu mức thu nhập trung bình, xin nêu thêm ba tín hiệu quan trọng đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ mới.
Mùa Xuân, con người thường nghĩ đến những điều mới mẻ, tốt tươi. Vượt qua chặng đường những năm đại dịch Covid-19 khó khăn và một năm 2023 đầy biến động, thách thức, giới doanh nhân Việt Nam bên thềm Xuân Giáp Thìn đang đặt niềm tin vào sự khởi đầu một thời kỳ mới của kinh tế và đất nước Việt Nam.
Tín hiệu của thời kỳ mới được xác định ngay trong năm 2023, khi vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41).
Nghị quyết 41 với quan điểm đặt đội ngũ doanh nhân “có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh” đã tạo luồng gió mới trong định hướng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Nghị quyết cũng gắn mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Nhiều điểm mới có tính đột phá về tư tưởng, định hướng tạo nền tảng cho sự phát triển của giới doanh nhân được xác lập như: tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương; xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh…
Tất cả những điểm mới chưa từng có này đều là những điều được giới doanh nhân mong đợi và háo hức chờ đón.
Nghị quyết 41 được ban hành đã tạo luồng gió mang sinh khí mới cho tinh thần kinh doanh của giới doanh nhân. Năm 2024 là năm đầu thực hiện Nghị quyết 41, là năm khởi đầu cho thời kỳ mới trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Cũng như khi khởi đầu thời kỳ Đổi mới, những giá trị to lớn của Nghị quyết 41 sẽ phải nhiều năm sau mới có thể nhận thấy.
Tín hiệu thứ hai cho sự khởi đầu thời kỳ mới là vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Năm 2022, Việt Nam đã đạt được quy mô thương mại quốc tế đáng nể phục là 730 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nước đứng đầu thế giới. Năm 2023, tuy có suy giảm quy mô còn 683 tỷ USD những vẫn thuộc nhóm đầu của thế giới. Việt Nam với vị thế và tiềm lực đạt được sau gần 40 năm Đổi mới đã trở thành tâm điểm chú ý trong chiến lược phát triển của các quốc gia cũng như các nhà đầu tư thế giới.
Năm 2023, chỉ trong vòng 3 tháng, ngày 10-11/9 Việt Nam đón Tổng thống Mỹ John Biden và nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, ngày 12-13/12 đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ra tuyên bố chung nâng tầm quan hệ hai nước và ký kết 36 văn kiện hợp tác. Vào các ngày 27-30/11 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản và nâng cấp quan hệ 2 nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Tất cả các cường quốc hàng đầu thế giới đều coi trọng và xây dựng quan hệ hợp tác ở mức cao nhất với Việt Nam. Đây là điều chưa từng có và hiếm có nước nào trên thế giới có được.
Năm 2023 cũng đánh dấu áp lực gia tăng trong sắp xếp lại chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, dòng dịch chuyển công nghệ và vốn đầu tư quốc tế đang biến động mạnh tìm điểm đến mới, đúng lúc này Việt Nam cũng đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đủ tầm hợp tác và cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước.
Các điều kiện về nhân lực, hạ tầng của Việt Nam cũng đã có bước tiến dài, Việt Nam nổi lên là “mắt xích” tiềm năng trong cơ cấu lại chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu của nhiều lĩnh vực, ngành hàng, là điểm đến hấp dẫn đáp ứng nhiều tiêu chí chọn lựa của các nhà đầu tư quốc tế. Nền kinh tế thế giới đang mở ra cho Việt Nam một cơ hội lịch sử hiếm có để thay đổi vị trí, vai trò trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Năm 2024 là năm khởi đầu thời kỳ mới cho tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị quốc tế, hướng đến những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Ở chiều ngược lại, hội nhập quốc tế cũng là một nguồn động lực cho thay đổi thể chế, giúp chúng ta rút ngắn đáng kể quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Tín hiệu thứ ba cho sự khởi đầu thời kỳ mới là chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Quá trình gần 40 năm Đổi mới đất nước từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, cứ mỗi kỳ Đại hội lại tạo ra một giai đoạn phát triển mới, với những thay đổi quan trọng trong đời sống đất nước.
Tháng 10/2023, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá XIII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị tổ chức Đại hội XIV của Đảng, nhiệm kỳ 2026 – 2031. Năm 2024 sẽ là năm triển khai công tác chuẩn bị, năm 2025 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp và đầu năm 2026 sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
>> ASEAN BAC 2023: Vị thế Đông Nam Á - Dấu ấn Việt Nam
Năm 2024 cũng là năm “bản lề” thực thi “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045”, với mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế như trên, bên cạnh các giải pháp khác, từ năm 2024 Việt Nam phải tận dụng, nắm bắt bằng được các cơ hội kinh tế lịch sử như đã nhắc tại Tín hiệu thứ hai nêu ở trên, giới doanh nhân mong chờ các chủ trương, đường lối của Đảng sẽ sớm được thể chế hoá và đi vào cuộc sống một cách thực chất, tạo ra tinh thần và khí thế kinh doanh sôi động trở lại trong xã hội.
Có một nút thắt nhiều người biết nhưng chưa được nhắc đến nhiều cho sự phát triển kinh tế trong năm 2023 chính là nút thắt về tinh thần kinh doanh trong xã hội. Người dân không hăng hái bỏ tiền vào kinh doanh, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn tiền gửi của doanh nghiệp, các doanh nhân cũng lo cho an toàn nhiều hơn lo mở rộng kinh doanh, nên có chuyên gia kinh tế phải thốt lên “Doanh nghiệp Việt không muốn lớn”.
>> Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam - Romania tăng cường kết nối đầu tư
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã bắt mạch và định hướng gỡ nút thắt này bằng chủ trương “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến”, chắc chắn Đại hội XIV của Đảng sẽ tạo ra những thay đổi và dấu ấn về một thời kỳ mới để người dân và doanh nghiệp an tâm kinh doanh và cống hiến, thực hiện khát vọng dân tộc và mục tiêu của Đảng là đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Việt Nam trong con mắt của cộng đồng quốc tế, đang rất được đánh giá cao về những nỗ lực chuyển đổi, với khả năng duy trì tăng trưởng tích cực theo hướng bền vững hơn, đóng góp và có vai trò ngày càng quan trọng với kinh tế toàn cầu. Chúng ta tự hào chỉ trong vòng chưa đầy 40 năm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt qua cả những nước đã áp dụng kinh tế thị trường trước nước ta hàng chục, hàng trăm năm.
Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ hơn 800 nghìn doanh nghiệp, trên 5,1 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã, Việt Nam cũng là điểm đến của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư FDI từ trên 140 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Nhiều tín hiệu cho thấy năm 2024 là năm khởi đầu của một thời kỳ mới cho sự phát triển của kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Với vai trò là điểm tựa và bệ đỡ cho các doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh trong thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ kết nối cộng đồng doanh nhân trong nước và quốc tế, đồng hành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mang đến những giá trị cộng hưởng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nắm bắt tốt các cơ hội, vững vàng vượt qua các thách thức, năm Giáp Thìn - 2024 sẽ là năm khởi đầu của thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam trỗi dậy, hoá Rồng, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.