Sửa Thông tư 43: Cả khách hàng lẫn công ty tài chính đều chịu thiệt?

Theo viac.vn 08/04/2019 14:10

Theo luật sư Trương Thanh Đức, cần phải hết sức cân nhắc sử dụng các biện pháp nhằm giới hạn việc phát triển tín dụng tiêu dùng của Công ty tài chính...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 về hoạt động của các công ty tài chính. Xoay quanh nội dung này đã có nhiều ý kiến đóng góp trái chiều. Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật BASICO cũng có những chia sẻ về các nội dung sửa đổi trong dự thảo, đồng thời đưa ra các kiến nghị.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật BASICO.

PV:Thưa ông, NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, ông đánh giá thế nào về các thay đổi này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Nhìn chung Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính đang quy định rõ hơn các nghĩa vụ của Công ty tài chính nhằm quản lý chặt hơn hoạt động của các công ty này.

Tuy nhiên, cần phải hết sức cân nhắc sử dụng các biện pháp nhằm giới hạn việc phát triển tín dụng tiêu dùng của Công ty tài chính, đặc biệt là quy định chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại chính công ty tài chính đó và tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính…. Điều này về mặt nào đó, sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hợp pháp, trong khi thị trường tín dụng đen lại chưa thể kiểm soát tốt và đang có xu hướng tăng mạnh với nhiều biến tướng khác nhau.

Nên chăng cần có định hướng dần, áp dụng từng bước. Từ chỗ chưa hề có quy định trước đây thì trước mắt giới hạn cần tính tới sự phù hợp với thực tế hiện nay, bảo đảm cho công ty tài chính hoạt động một cách bình thường.

Một trong những thay đổi đáng chú ý mà ông nhắc đến là hạn chế việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng không quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, điều này sẽ gây khó gì cho người tiêu dùng?

Pháp luật hiện nay gần như không bắt buộc người dân phải thanh toán không dùng tiền mặt, từ giao dịch nhỏ lẻ cho đến việc mua bán nhà đất lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Thói quan tiêu dùng của người dân Việt Nam, nhất là đối với các giao dịch nhỏ lẻ do các tiểu thương (không phải đăng ký kinh doanh) cung cấp, là trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt. Các nền tảng về thanh toán không dùng tiền mặt cũng chưa thể đáp ứng được các nhu cầu.

Vì vậy, trên thực tế, đại đa số khách hàng của Công ty tài chính đều muốn nhận tiền mặt để chủ động hơn trong việc sử dụng vốn vay và cũng phù hợp hơn với nhu cầu nhận tiền của người bán hàng hóa, dịch vụ. Do đó đầu tiên là khó khăn đối với người vay vốn, sẽ bị hạn chế vay trong nhiều trường hợp, như là khó có thể nhận tiền mặt để lên mạng mua hàng giao tận nhà.

Còn khó khăn cho các công ty tài chính thì sao thưa ông?

Với quy định giới hạn tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng, Công ty tài chính, đặc biệt là các công ty vừa tái cơ cấu, mới thành lập, các công ty nhỏ sẽ mất nhiều khách hàng vì một phần bị khách "chê" không vay, đồng thời cũng không dám phục vụ nhiều khách hàng vì không thể giải ngân được bằng tiền mặt. Do đó các công ty tài chính sẽ phải hạn chế các sản phẩm cho vay phù hợp với thói quen và nhu cầu thực tế của người dân như đã nêu trên (giải ngân trực tiếp tiền mặt cho khách hàng vay) và buộc phải cung cấp các dòng sản phẩm cho vay giải ngân cho người thụ hưởng – là mảng sản phẩm ít hấp dẫn và đã có nhiều Công ty tài chính gạo cội khai thác từ lâu.

Nếu quy định sửa đổi Thông tư 43 được áp dụng, các Công ty tài chính sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt trong việc cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng giải ngân cho người thụ hưởng. Các đối tác bán hàng hóa, dịch vụ có thể lợi dụng tình huống để ép các Công ty tài chính chấp nhận các đòi hỏi về mức phí chi trả, tiêu chuẩn cho vay... gây rủi ro cho thị trường cho vay tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Siết giải ngân tiền mặt, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ thu hẹp?

    Siết giải ngân tiền mặt, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ thu hẹp?

    11:01, 07/04/2019

  • Tài chính tiêu dùng lớn mạnh sẽ triệt tiêu “tín dụng đen”

    Tài chính tiêu dùng lớn mạnh sẽ triệt tiêu “tín dụng đen”

    08:30, 11/03/2019

  • Mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách nào?

    Mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách nào?

    12:19, 17/10/2018

Chưa kể đến, khi triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng giải ngân cho người thụ hưởng, Công ty tài chính buộc phải thu thập hồ sơ cho vay bao gồm cả các hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trước khi giải ngân. Trong khi đó, nhiều nhu cầu vay vốn như đóng học phí, du lịch, hiếu hỷ, sửa chữa nhà cửa, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, người dân không có chứng từ hoặc chỉ có thể hoàn thiện chứng từ sau giải ngân. Khách hàng theo đó khi có nhu cầu sẽ tìm cách hợp lý hóa chứng từ để rút tiền mặt, điều này có thể gây rủi ro lớn cho hoạt động tín dụng.

Một quy định nữa cũng thu hút sự chú ý là dự thảo chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại chính công ty tài chính đó, xin hỏi ông điều này có hợp lý?

Quy định này có thể phù hợp phần nào đối với các công ty tài chính đã có lượng khách hàng giao dịch lớn. Song nó gần như chặn đứng khả năng giải ngân bằng tiền mặt đối với các Công ty tài chính tiêu dùng mới tham gia thị trường.

Khách hàng cũng sẽ bị thiệt thòi trong trường hợp thực sự có nhu cầu chính đáng về nhận giải ngân tiền mặt, nhất là những khoản tiền nhỏ lẻ, mà lỗi thì không phải của họ, cũng không phải lả của công ty tài chính, mà chỉ vì quy định cứng nhắc, không cho phép.

Vậy theo ông Thông tư cần điều chỉnh thế nào cho hợp lý, để vừa kiểm soát được rủi ro, vừa khuyến khích các công ty tài chính phát triển lại vừa góp phần đẩy lùi tín dụng đen?

Việc kiểm soát tăng trưởng và giải ngân cho vay tiêu dùng là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải thực sự vì nhiều mục tiêu là nhằm đảm bảo việc cấp tín dụng tiêu dùng được an toàn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường cho vay tiêu dùng, nhất là các công ty nhỏ, mới gia nhập thị trường phát triển nhanh chóng, ổn định, góp phần đẩy lùi được tín dụng đen.

Vì vậy, theo tôi Thông tư nên đặt ra các giới hạn phù hợp với thực tế, đồng thời cần tập trung theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động thông qua yêu cầu về năng lực quản trị, điều hành và kiểm soát rủi ro, thu hồi nợ.

Cũng liên quan đến hoạt động của các công ty tài chính, hiện nay NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2019 là 14% và đã giao cụ thể room đến từng tổ chức tín dụng, gồm cả công ty tài chính, theo ông áp dụng một room chung cho các đối tượng như vậy có hợp lý?

Việc áp room tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng thương mại (NHTM) là hợp lý, vì quy mô dư nợ và sự ảnh hưởng của các ngân hàng đến nền kinh tế là khá lớn.

Nhưng quy mô tổng dư nợ cho vay của Công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các Công ty mới thành lập và mới triển khai hoạt động chỉ rất nhỏ so với quy mô tổng dư nợ của NHTM (hiện có tổng dư nợ chỉ chưa đến 10% dư nợ của nền kinh tế). Do đó, ảnh hưởng về tăng trưởng tín dụng của Công ty tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế là không đáng kể. Vì vậy, việc đặt ra trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đối với các Công ty tài chính, nhất là các công ty có quy mô nhỏ là không cần thiết trong mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Pháp luật hiện hành đã đặt ra hai giới hạn rất chặt chẽ là: (i) tổng dư nợ tiêu dùng của 01 khách hàng tại một công ty tài chính không vượt quá 100.000.000 đồng và (ii) tỷ lệ tín dụng tiêu dùng tối thiểu chiếm 70% tổng dư nợ cấp tín dụng. Các quy định này đã đảm bảo Công ty tài chính tiêu dùng phải định hướng được hoạt động và kế hoạch tăng trưởng của mình. Do vậy, không cần phải quy định thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động này.

Với nhu cầu thực tiễn của thị trường còn rất lớn thì việc áp dụng room tăng trưởng tín dụng liệu sẽ dẫn đến những hệ quả gì, đặc biệt là với mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen thưa ông?

Trên thực tế, hoạt động cấp tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đang phục vụ cho những nhu cầu thiết thực, thường xuyên, không lớn và tạo điều kiện cho người dân (nhất là vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế trong xã hội) được sử dụng các nguồn tín dụng an toàn, hợp pháp.

Việc hạn chế quá chặt chẽ phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế người dân tiếp cận được nguồn vốn này. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tiêu dùng trong xã hội ngày càng lớn, thì sẽ buộc người dân phải tìm đến các hình thức cho vay rủi ro cao hoặc phi pháp (vay nặng lãi, tín dụng đen…) gây bất ổn cho xã hội.

Hơn nữa, Công ty tài chính tiêu dùng có phạm vi hoạt động rất hẹp, kết quả kinh doanh phụ thuộc hầu hết vào hoạt động cho vay tiêu dùng. Nếu giao cho các Công ty tài chính một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá chặt sẽ hạn chế "quyền trong tự chủ hoạt động kinh doanh" theo quy định tại Điều 7 Luật Các TCTD và chặn đứng khả năng tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp lý của thị trường.

Việc hạn chế này còn có thể dẫn đến chặn đứng khả năng gia nhập thị trường của công ty mới, còn các công ty tài chính nhỏ thì phải thu hẹp, thậm chỉ dừng hoạt động do không đủ khả năng cạnh tranh. Như vậy, vô hình trung sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của khách hàng trong việc tiếp cận các sản phẩm tín dụng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Thông tư 43: Cả khách hàng lẫn công ty tài chính đều chịu thiệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO