Ngày mai 21/1, 130 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG) sẽ lên sàn HoSE - ngay thời điểm mà thị trường được cho là có tín hiệu điều chỉnh với đà bán tháo mạnh hôm 19/1.
Trước đo, MIG đã hủy niêm yết UPCoM để chuyển sang HoSE và gia nhập vào đội quân cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết chính thức.
MIG là một trong những doanh nghiệp Top 10 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, gồm sự hiện diện khoảng 31 doanh nghiệp chia sẻ miếng bánh này. Trong Top 10, MIG đứng khoảng thứ 6, sau những doanh nghiệp như Bảo Việt, PVI, PTI, BMI, PJICO…
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Top 10 các công ty bảo hiểm lớn trên thị trường hiện đang chiếm khoảng 72% doanh thu phí và 28% thị phần còn lại được chia sẻ cho các công ty còn lại. Trong đó, một thị phần lớn cũng tập trung vào tay Tập đoàn Bảo Việt với khoảng 16% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ. Tức chỉ còn 56% để chia cho 9 công ty tiếp sau.
MIG, với khoảng trên 160 sản phẩm đa dạng khác nhau từ những nhóm sản phẩm bảo hiểm đặc thù và phức tạp như bảo hiểm hàng không năng lượng, bảo hiểm điện gió ngoài khơi… đến những sản phẩm gần gũi như bảo hiểm sức khỏe MIC Care, bảo hiểm MIC Miracle... ước tính chiếm khoảng 5,3% thị phần. Với thị phần này, MIG đã thăng hạng so với chính mình 5 năm trước đây. Việc niêm yết tại HOSE sẽ giúp MIG có nhiều điều kiện để thu hút đối tác, nhà đầu tư, tăng huy động vốn, minh bạch thông tin hơn…; đồng thời củng cố vị thế vững chắc hơn trên thị trường.
98 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 của MIG, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Dĩ nhiên, ở trên vị trí càng cao hơn thì gió càng lớn hơn. MIG cũng đang có thách thức nhất định cần đối mặt khi chuyển sang sàn HOSE.
Thứ nhất, trong nhiều năm, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã gần như không tăng. Song Công ty Chứng khoán KIS nhận định, với các thương vụ M&A điển hình thời gian gần đây, cộng với việc EVFTA có hiệu lực cho phép có nhiều hơn công ty bảo hiểm ngoại vào Việt Nam, mức độ cạnh tranh trên thị trường này sẽ càng lớn hơn.
Thứ hai, MIG hiện đang được nắm giữ và chi phối lớn bởi nhóm cổ đông liên quan Ngân hàng Quân đội (MB). Sự chi phối này sẽ gây khó khăn cho MIG lên sàn tìm kiếm nhân tố mới.
Thứ ba, cũng liên quan đến nhóm nội bộ, MIG được sự hậu thuẫn trong kinh doanh không nhỏ từ các chủ sở hữu, cổ đông. Song trong nhóm này, MBBank đã hợp tác cùng Tập đoàn Ageas từ Bỉ và Muang Thai Life từ Thái Lan để lập MB Ageas Life, tiến vào khai thác thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tuy 2 khu vực/ thị trường bảo hiểm mà MIG và MB Ageas Life là khác nhau, nhưng sự “ưu ái” của MB đối với MIG có thể bị thu hẹp. Hiện MIG cũng xác định lợi thế của mình là phân phối bảo hiểm cho khách hàng quân đội. Tuy nhiên để trở thành doanh nghiệp Top 3 vào năm 2025, MIG cần hơn nữa sự mở rộng hoạt động hơn nữa.
Một yếu tố rủi ro chung như chính cáo bạch của doanh nghiệp, là xu hướng gia tăng tổn thất của bảo hiểm tài sản (lĩnh vực MIG có doanh thu lớn), gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp đã và đang diễn ra. Ứng phó với điều đó, sau khi lên sàn HoSE, MIG cần 1 kế hoạch tăng vốn tương ứng. Điều này hẳn nằm trong tầm tay của cổ đông “mẹ” nắm quyền kiểm soát lợi ích kinh tế chủ đạo tại MIG. Đó sẽ lại là cửa hẹp cho cổ đông bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Động lực tăng trưởng cho các công ty bảo hiểm đến từ đâu?
05:15, 14/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
19:48, 19/01/2021
Thị trường bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới có tiếp tục màu mỡ?
05:30, 08/01/2021
Cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam: Sôi động M&A ngành bảo hiểm
22:55, 24/11/2020
Doanh nghiệp bảo hiểm "trỗi dậy" bất chấp COVID-19
06:00, 16/11/2020