Từ năm 2018, tỉnh Bắc Giang có chủ trương chỉ chấp thuận các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã có hạ tầng hoặc quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt
Nhằm đảm bảo các dự án có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không gây ô nhiễm môi trường.
Đây là thông điệp được ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bắc Giang đưa ra với các chủ đầu tư. Thông điệp này cũng được xem như một cam kết của người đứng đầu Sở KH&ĐT Bắc Giang với các nhà đầu tư và nhân dân trong tỉnh về định hướng phát triển công nghiệp hài hòa và bền vững của Bắc Giang.
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Ông Trịnh Hữu Thắng cho biết, Bắc Giang có diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha và đã quy hoạch các vùng cây ăn quả có tổng diện tích gần 50 nghìn ha, sản lượng quả tươi bình quân hàng năm đạt 170-200 nghìn tấn. Vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản với hơn 11 nghìn ha, sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm. Đặc biệt vùng vải thiều Lục Ngạn với sản lượng trên 100 nghìn tấn quả mỗi vụ, gà đồi Yên Thế với khoảng 15 triệu con gà thương phẩm mỗi năm…
Đặc biệt, Bắc Giang có 6 Khu công nghiệp (KCN) đã quy hoạch với tổng diện tích 1.322 ha. Trong đó, 4 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ và đang thu hút đầu tư gồm các KCN: Đình Trám; Quang Châu; Vân Trung; Song Khê - Nội Hoàng và 2 KCN đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết là Việt – Hàn và Hòa Phú.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đã quy hoạch 40 Cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích hơn 1.258,22 ha được bố trí cạnh các tuyến Quốc lộ và Đường tỉnh, có vị trí thuận lợi về giao thông, cấp điện, cấp nước và thu hút lao động. Đây là những địa điểm có quỹ đất sạch để sẵn sang tiếp nhận các nhà đầu tư về với Bắc Giang
Cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp
Bà Christine M. Y. Wong – Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (tại Khu công nghiệp Quang Châu) cho rằng, để Bắc Giang có sức hút mạnh mẽ hơn nữa đối với các nhà đầu tư, Bắc Giang cần phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp FDI trong tuyển dụng lao động.
“Kế hoạch năm 2018, chúng tôi cần tuyển thêm 6.000 lao động. Nhưng nguồn lao động tại địa phương khan hiếm do trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có gần 100 công ty hoạt động trong ngành dệt may và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Vì vậy chúng tôi phải tuyển từ những tỉnh khác nhau như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn...” - bà Christine M. Y. Wong cho biết.
Còn ông Harry Zhuo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam (chủ đầu tư Khu công nghiệp Vân Trung) thì cho rằng, Bắc Giang cần mở rộng đường gom quanh khu công nghiệp và thiết kế thêm hầm chui dân sinh qua đường cao tốc để công nhân vào làm việc tại khu công nghiệp được thuận lợi.
“Với lượng công nhân như vậy, trong khi đường gom bên cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vừa bé vừa xuống cấp. Vì vậy mỗi buổi tan ca hay vào ca là quá tải chật ních xe cộ, gây ách tắc, đã làm tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp và công nhân. Bên cạnh đó là tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông” - ông Harry Zhuo chia sẻ.
Còn ông Nông Hùng Vĩ, Giám đốc Công ty TNHH Vương Vĩ (chủ đầu tư Dự án xây dựng Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đình Trám) thì cho rằng, cần phải ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, giúp cho một bộ phận công nhân ổn định đời sống, gắn bó hơn với doanh nghiệp, qua đó tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Giang.