Hôm nay (17/1) Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiến hành đợt chào phán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 241.556.969 cổ phần, chiếm 7,79% vốn điều lệ.
Đợt IPO này của BSR là sự kiện mở màn cho việc cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp Nhà nước lớn trong năm 2018. Sau đợt IPO BSR, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 43% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1,3 triệu cổ phần.
Phiên đấu giá của BSR ghi nhận có 4.079 nhà đầu tư (NĐT), trong đó có 48 NĐT tổ chức trong nước và 67 NĐT tổ chức nước ngoài, 7 NĐT cá nhân nước ngoài, còn lại 3.957 NĐT cá nhân trong nước. Đây cũng là phiên IPO ghi nhận về số lượng người đăng ký đấu giá cao kỷ lục với khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương 651.789.522 cổ phần. Kết quả, toàn bộ 241,55 triệu cổ phần của BSR đã được bán hết cho 623 nhà đầu tư, trong đó có 62 nhà đầu tư tổ chức và 561 nhà đầu tư cá nhân. Giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cp, giá trúng thành công cao nhất là 14,8 triệu đồng/cp, giá trúng thành công thấp nhất là 20.800 đồng/cp.
Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù là một công ty con của PVN, BSR lại có quy mô của một tổng công ty lớn, với vốn điều lệ lên tới hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), doanh thu hàng năm trên 3 tỷ USD, nộp ngân sách hàng năm trên 10.000 tỷ đồng và tổng nộp ngân sách từ khi hoạt động đến nay là 7 tỷ USD. Có thể nói, BSR là một trong số ít những DNNN có quy mô lớn ngang tầm các doanh nghiệp trong khu vực và hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, BSR chiếm 28% thị phần xăng dầu. Hiện tại, doanh nghiệp này đang bán xăng dầu qua 27 đại lý. Đối với các sản phẩm chính như Gasoline, Diesel D.O, BSR chiếm thị phần trên 30%. Công suất thiết kế của BSR là 6,5 triệu thùng dầu thô/năm. Nguyên liệu dầu đầu vào chủ yếu đến từ nguồn cung trong nước (92%). Giai đoạn 2018 – 2021, BSR có kế hoạch nâng công suất thiết kế lên 8,5 triệu tấn, tăng chất lượng sản phẩm lên tiêu chuẩn Euro V và đa dạng hóa nguồn cung từ 67 lên 300 loại sản phẩm.
Tình hình tài chính của BSR được đánh giá lành mạnh. Doanh thu thuần đạt 54.387 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận đạt 5.430 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 10%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ 2,56 lần năm 2012 xuống còn 0,69 lần trong 9 tháng đầu năm 2017. Chỉ số thanh toán hiện hành là 2,5.
Báo cáo của Mackenzie cho thấy, thị trường xăng dầu của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tiêu thụ xăng dầu trên đầu người ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực. Nhu cầu đối với sản phẩm lọc hóa dầu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với mức trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2025.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Với tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 14% năm 2014 lên hơn 21% năm 2017, cùng chỉ số thanh toán ngắn hạn tức thời với tỷ lệ 0,9/1 (2016) - tức là BSR đủ tiền mặt để trang trải các chi phí, cùng đó là các tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn đều ở mức thanh khoản cao. Điều này cho thấy sự hấp dẫn rất lớn của cổ phiếu BSR đối với các nhà đầu tư”.