Việc nhiều nhà đầu tư chưa lộ diện xuống tiền mua cả chục, trăm tới cả ngàn tỷ đồng trái phiếu của những doanh nghiệp cỏn con, khiến hoạt động đầu tư trái phiếu đang đặc biệt tới mức khó tin.
Có loại hàng hóa, tài sản nào được phát hành mà người mua, thực chất là người góp vốn chủ nợ, không quan tâm đến doanh nghiệp đó là ai, làm ăn ra sao; quy mô, tín nhiệm thế nào; khả năng trả nợ tới đâu? Trên thị trường trái phiếu từ xưa đến nay, có lẽ chưa bao giờ việc phát hành trái phiếu trở nên sôi động đến như vậy, và cũng mơ hồ đến như vậy.
Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất sôi động, người mua cũng nhịp nhàng tham gia khi thị trường tín dụng không dễ gì cho vay như trước, doanh nghiệp lại vẫn đang khát vốn ở nhiều lĩnh vực, đã đành là một chuyện. Nhưng việc những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hầu như không có làm ăn gì đáng kể nhưng cũng phát hành trái phiếu hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng và bỗng chốc trở thành doanh nghiệp lớn, con nợ lớn hoặc trung gian chu chuyển vốn lớn… mới là vấn đề.
Trường hợp của các doanh nghiệp như Công ty Horizon, hoạt động bất động sản nhưng không hề có thông tin nào về dự án, quỹ đất, vốn điều lệ chỉ từ trăm tỷ đồng đã vọt lên hơn ngàn tỷ đồng sau một năm, lại “cắm sào” địa chỉ kinh doanh ở tổ hợp văn phòng chia sẻ, phát hành được hàng ngàn tỷ đồng qua huy động trái phiếu là một ví dụ.
Hay như Công ty Đầu tư Quang Thuận- tổ chức những nhân tố có liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ có lãi vài ba tỷ đồng (lãi lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ 1,5 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước), nhưng sở hữu khối nợ trái phiếu dài hạn lên tới 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có 6.000 tỷ đồng được Quang Thuận phát hành huy động cùng với thời điểm nửa đầu năm, khi kinh doanh ghi nhận lãi lời chưa bằng doanh thu “đếm tiền lẻ” của một cửa hàng tạp phẩm ở trung tâm Sài Gòn.
Rõ ràng với các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực gần như không có gì, hoặc với các doanh nghiệp đã phình to quy mô… đủ đối ứng cho các mục đích huy động vốn, nợ, thì việc bất tương xứng giữa hoạt động kinh doanh và khối nợ trái phiếu cho thấy có khoảng mờ bất cập trong huy động trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp này. Và điều này đặc biệt xuất hiện rõ ở thời gian gần đây.
Rất may, các hoạt động huy động cấp tập như vậy đều chỉ diễn ra trước thời điểm Nghị định 81/2020/NQ-CP có hiệu lực. Tức đâu đó có sự “ứng phó” chạy đua thời điểm của doanh nghiệp để lách khung chính sách mới. Sau 1/9/2020, có khả năng tình hình đó dịu bớt.
Nhưng kể cả như vậy thì một điểm đáng nói hơn, là câu hỏi được đặt ra vì sao với những doanh nghiệp kinh doanh mơ hồ, vẫn có nhu cầu huy động được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu? Ai là những người đã mua hàng trăm đến ngàn nghìn tỷ đồng trái phiếu, là những trái chủ của các doanh nghiệp ít công khai minh bạch thông tin, u ám kinh doanh đó? Đó là những trái chủ dư tiền chỉ chạy theo lợi tức và bỏ qua nguyên tắc đầu tư cơ bản giảm thiểu rủi ro; hay là những trái chủ có khẩu vị rủi ro cao bất chấp mọi thứ? Hoặc khác hơn, là những trái chủ đầu tư theo cách rót vốn, bỏ tiền, hoặc cho tiền chạy vòng vo với những cách thức, mục đích, động cơ cho lợi nhuận khác cần hơn, tốt hơn lợi tức?...
Tất cả những câu hỏi đó đều không thể có câu trả lời khi không có trái chủ cụ thể nào xuất hiện. Bởi theo quy định công bố thông tin của các đợt phát hành, vì quyền lợi của người sở hữu tài sản (tương tự như người bỏ tiền trong ngân hàng và ngân hàng có quyền giữ bí mật trừ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin), thì những trái chủ tham gia đầu tư đều sẽ không bị lộ danh. Họ đơn giản đã, luôn và sẽ chỉ hiện diện trong những ca phát hành nợ mượn vốn khủng hoặc phát hành hết sức ly kỳ như vậy, như là một, hay những cá nhân, tổ chức (!).
Có thể bạn quan tâm