Theo PGS, TS Nguyễn Đức Thành, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thách thức lớn nhất là vấn đề liên quan tới tài chính khu vực công gồm chi tiêu và cân đối ngân sách, kiểm soát nợ công...
Chia sẻ với DĐDN, PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ tiếp đà tăng trưởng ba năm gần đây.
“Năm 2018, qua đánh giá một số yếu tố chỉ số, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ vượt qua mức 6,5% tương đối dễ dàng. Thậm chí, nhiều khả năng tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra của Quốc hội”, TS Nguyễn Đức Thành nói.
Tăng trưởng kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2017, cũng sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó, lạm phát trong vòng kiểm soát bởi chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện vững vàng và chặt chẽ. “Mặc dù lạm phát có thể có khuynh hướng tăng hơn một chút so với năm 2017, tuy nhiên sẽ vẫn trong tầm kiểm soát dưới 5%”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định. Lý do là các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát rất lớn.
Nhận định về áp lực tới tăng trưởng những tháng cuối năm, Viện trưởng VEPR cho biết: "Thách thức lớn nhất là vấn đề liên quan tới tài chính khu vực công. Cụ thể là cải cách về chi tiêu và cân đối ngân sách, kiểm soát nợ công và sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hoá".
Cùng với đó, các khu vực khác đang trong quá trình tương đối thuận lợi. “Thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ “nhảy vọt” những tháng cuối năm, bởi chúng ta hiện đang tăng trưởng nóng”, PGS. TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Đặc biệt, PGS. TS Nguyễn Đức Thành cũng lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá so với USD và Euro, đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc đồng Việt Nam mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.
Trong số những hàm ý chính sách mà nhóm nghiên cứu VEPR đưa ra, bên cạnh những khuyến nghị quen thuộc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy hội nhập sâu hơn và tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại…, các giải pháp về nâng cao năng suất lao động được đặc biệt nhấn mạnh.
Nói như Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năng suất lao động là yếu tố quan trọng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. "Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ rõ mối quan ngại số một của Việt Nam chính là năng suất lao động. Về dài hạn, muốn tăng trưởng bền vững phải nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động chính là mấu chốt cho mọi vấn đề của tăng trưởng", chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm |
Còn theo Viện trưởng VEPR, tất cả các chính sách cải cách đều phải hướng tới tăng năng suất gồm cải cách thể chế, thay đổi công nghệ, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế...mà ở nghiên cứu của VEPR là tập trung vào thị trường lao động.
Theo đó, những giải pháp là nâng cao chất lượng thị trường lao động gồm dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao và nâng cao năng suất lao động ngành. Đổi mới giáo dục đào tạo nhằm giúp cho người lao động có được kiến thức và kỹ năng cần thiết, phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội hiện đại. Hỗ trợ người lao động tìm việc và tích cực hơn trong các cam kết liên quan đến di chuyển lao động có tay nghề, trình độ cao trong ASEAN và các hiệp định thương mại tự do dịch vụ với các đối tác khác trên thế giới...
Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhìn vào thị trường lao động cần đi sâu nghiên cứu về các nhân tố cạnh tranh.
Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh vai trò của ngành tiếp nhận dịch chuyển lao động trong việc nâng cao năng suất lao động ngành. Lấy ví dụ về năng suất lao động trong ngành công nghiệp, Chuyên gia Phạm Chi Lan lý giải, do lao động chủ yếu là gia công do đó có thể quy mô doanh nghiệp lớn nhưng chỉ những khâu đơn giản do đó năng suất thấp. Trong khi đó, ngành nông nghiệp là một trong những ngành năng suất thấp, thì 65% sản lượng gạo do 200.000 hộ nông dân làm ra, đây là những hộ sản xuất công nghệ cao. Điều này dẫn tới dù có sự dịch chuyển từ ngành năng suất thấp là nông nghiệp sang ngành năng suất cao như công nghiệp, dịch vụ nhưng năng suất các ngành chuyển dịch sang lại thấp đi.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018Theo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 của VEPR, kịch bản một là kịch bản lạc quan, GDP dự báo tăng tới 6,83%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đặt ra. Kịch bản hai, kịch bản thấp, GDP dự báo tăng 6,49%, cao xấp xỉ mức mục tiêu của Quốc hội. Tương ứng với 2 kịch bản này, dự báo chỉ số lạm phát ở các mức lần lượt là 4,21% và 3,86%. |