Tài chính xanh: Vì đâu ngân hàng “chùn tay”?

Diendandoanhnghiep.vn Ngân hàng Nhà nước đã lồng ghép các chương trình tài chính xanh vào các thông tư, nghị định để định hướng các ngân hàng cho vay theo hướng phát triển bền vững.

fwweg

Khung chính sách về tài chính xanh mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng phát triển tín dụng xanh có lợi cho môi trường.

Cần 753 tỷ USD cho các dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dự báo tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030, trong đó cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo là 59 tỷ USD với 31 tỷ USD nằm ở dự án năng lượng mặt trời, 19 tỷ USD nằm ở các dự án thủy điện nhỏ và 80 tỷ USD đối với các dự án công trình xanh.

Theo đó, khung chính sách về tài chính xanh mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng phát triển tín dụng xanh có lợi cho môi trường.

Với tổng tiềm năng đầu tư cho các dự án xanh lên tới 753 tỷ USD trong 10 năm tới, gấp 3 lần GDP của Việt Nam hiện nay, nguồn vốn ngân hàng Việt đổ vào tín dụng xanh đến nay còn rất ít.

Tại "Diễn đàn tài chính bền vững" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng tổ chức sáng kiến Báo cáo toàn cầu GRI và Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức chiều 28/5 tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến quý I/2019, đã có 20 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, chiếm 77% dư nợ tín dụng xanh, cho vay ngắn hạn là 54.000 tỷ đồng.

Đối tượng cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 131.000 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực quản lý bền vững đô thị là 31.000 tỷ đồng, cho vay lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng, cho vay năng lượng tái tạo mới đạt trên 8.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Cũng tính đến hết tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đánh giá theo rủi ro môi trường xã hội đạt gần 314.000 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 138.000 tỷ đồng, dư nợ trung dài hạn là 175.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khó khăn đối với ngành ngân hàng hiện nay là áp lực nguồn vốn trung dài hạn rất lớn. Nói đến tăng trưởng xanh không thể nói là không có vốn, nhưng phải nói đến hiệu quả. Ngay như bản thân các NHTM và doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ về tăng trưởng xanh.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã lồng ghép chương trình tín dụng xanh vào Thông tư 39 (ngày 30/12/2016) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, vào Nghị định 55 (chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn) và Nghị định 116 (sửa đổi Nhị định 55) của Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp nông thôn.

Cùng đó, cơ quan này đã ban hành Quyết định số 1604 (ngày 07/8/2018) về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hoá hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường…

Đến nay theo kết quả khảo sát về áp dụng tín dụng xanh trong ngành ngân hàng, đã có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

E ngại giải ngân vì dự án xanh có rủi ro cao?

Đại diện một NHTM nhiều năm tham gia tài trợ các dự án xanh, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Khối DNNVV, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), cho biết ABBank là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa việc đánh giá môi trường vào quy trình, quy chế cho vay. Đặc biệt, đối với những dự án năng lượng, kể cả những dự án của EVN đầu tư thì ngân hàng cũng thuê đơn vị thứ 3 đánh giá những yếu tố về môi trường của dự án.

Hiện các dự án xanh vẫn bị đánh giá là rủi ro cao khiến ngân hàng chùn tay, vì khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và hiệu quả tài chính, cũng như yêu cầu tài sản đảm bảo đối với những dự án xanh là gì? Do đó, lãi suất cho vay những dự án xanh còn cao.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp và nông dân đầu tư dự án xanh mức lãi suất cho vay phải thấp mới hấp dẫn họ. Ngoài ra, lãi suất cho vay thấp sẽ giúp doanh nghiệp và nông dân thực hiện nông nghiệp thông minh có thể mua được máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến để cho ra sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu. Nếu lãi suất cao sẽ giảm hiệu quả dự án, giảm hiệu quả vốn vay.

Về phía nhà đầu tư các dự án tăng trưởng xanh, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Quỹ Dragon Capital, cho biết Quỹ có tham gia các dự án xanh, đó là dự án nhỏ về sản xuất điện mặt trời, thuỷ điện... Tính chất của các dự án xanh không khó và không có rủi ro cao. Việt Nam có nhiều kỹ sư giỏi nên không thể không làm nổi các dự án xanh.

Theo ông Dominic Scriven rủi ro nếu có không nằm ở đầu tư. Rủi ro có thể đến từ các quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có sức đàm phán trực tiếp với các dự án điện nhỏ, và những đơn vị nhỏ này cũng quá nhỏ khiến tiếng nói cũng ít tác động… Do đó, rất cần những mẫu hợp đồng bán điện phù hợp với những nhà sản xuất điện nhỏ từ các nguồn năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió, thuỷ điện…

“Trong các hợp đồng mua bán điện có một điều khoản: “EVN có quyền chấm dứt hợp đồng này và không có trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất điện”. Vì có điều khoản này sẽ khó khăn cho nhà đầu tư dự án đi kêu gọi vốn”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Để tạo nguồn vốn cho các dự án xanh, ngân hàng cần dành thêm vốn trung dài hạn cho các dự án này. Trong khi đó, Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung dài hạn nhưng phải nỗ lực hơn nữa như việc thành lập các định chế tài chính, như: quỹ hưu trí, quỹ tín thác, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng thúc đẩy cơ chế cho thị trường vốn trung dài hạn phát triển trong nước thì các dự án xanh sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ở nước ngoài đắt đỏ hơn.

Ông Dominic Scriven gợi ý: “Cần đánh thuế khí cacbon. Nếu không đánh thuế trên cái hại thì người ta sẽ không thay đổi”.

Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Đề án cũng nêu rõ giải pháp xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tài chính xanh: Vì đâu ngân hàng “chùn tay”? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711650430 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711650430 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10