Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ đâu?

Đại Dương 05/10/2018 15:24

Trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới thể chế là quan trọng nhất, để huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra, một số ý kiến cho rằng, trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới thể chế là quan trọng nhất, để huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về tái cơ cấu đã đề cập đến vai trò tương hỗ của cả “nhà nước và thị trường”, nhưng rõ ràng, thị trường phải trở thành nhân tố thúc đẩy tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Những vấn đề có tính chất kỹ thuật như liên thông giữa các loại thị trường, thuận lợi hóa gia nhập và rút khỏi thị trường, trong đó có mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản… không thể không phụ thuộc vào hai trụ cột then chốt là nhà nước và thị trường.

br class=

Muốn tận dụng được Cách mạng 4.0, thì các thành phần kinh tế như: kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế FDI… phải được bình đẳng. (Ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần giầy Vĩnh Phú)

Không tái cơ cấu sẽ tụt hậu

Đương nhiên hiện nay, định hướng “kinh tế nhà nước là chủ đạo” và “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” đã kéo sự cân bằng giữa các thành phần kinh tế về gần hơn với thực tế. Nhưng rõ ràng, những tác động từ thị trường khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo đang làm thay đổi căn bản hơn bản chất của nền kinh tế. Không thể phủ nhận rằng: chính những điều nêu trên đang trở thành áp lực hơn là động lực tác động đến môi trường kinh doanh theo hướng hiện đại và làm cho cơ cấu nền kinh tế có sự dịch chuyển.

Khẳng định "nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu" của Thủ tướng, dù có vẻ như là một mệnh lệnh hành chính hơn là một quyết sách, cũng khiến cả hệ thống chuyển động. Chương trình hành động tại Nghị quyết 27 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2020-2030 và giai đoạn tiếp theo có tính chất kỹ thuật rất cao. Nhưng nó là những công việc cụ thể cho một điểm mấu chốt là “định vị lại các thành phần kinh tế”.

Dù các định hướng đưa ra đều nhấn mạnh tới “ổn định kinh tế vĩ mô” như là ưu tiên số 1, thì thay đổi căn bản tính chất, vai trò của các thành phần kinh tế mới là nền tảng cho tái cơ cấu. Bởi từ 12 dự án ngành công thương đến các dự án thua lỗ, yếu kém khác đều có hệ quả từ những tư duy cũ.

Rõ ràng, cho đến quý III/2018, tăng trưởng vẫn đạt ở mức cao, nhưng động lực của tăng trưởng chủ yếu đến từ các tiềm năng sẵn có, chứ không phải từ những gì mà định hướng mang lại. Tiềm năng sẵn có dường như được khai thác tối đa và Chính phủ cũng chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong khuôn khổ mà thể chế đã vạch.

Trọng tâm tái cơ cấu kinh tế

Nhưng nói gì thì nói, hiện nay, số lượng DNNN tuy đã thu hẹp về số lượng, vẫn chiếm một phần rất lớn vốn và tài sản của xã hội. Đơn giản như 19 tập đoàn, tổng công ty mới được đưa về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có trị giá lên tới 3,3 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định: giảm số lượng và thu hẹp phạm vi của DNNN là một trong những trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế. Thực tế hiện nay cho thấy, dù đã bán đi các doanh nghiệp sản xuất bia, sữa… nhưng Nhà nước vẫn còn ôm đồm cả những ngành thâm dụng lao động, đất đai.

Ai cũng hiểu rằng, muốn tận dụng được Cách mạng 4.0, thì các thành phần kinh tế như: kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế FDI… phải được bình đẳng để các lợi thế về sáng tạo, năng động được phát huy. Gần đây, đã có nhiều ý kiến về phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đô thị với các “đầu tàu” kinh tế; tăng cường thể chế về liên kết vùng… Nhưng dường như khung khổ thể chế vẫn chưa đủ để đáp ứng những yêu cầu đó.

Cũng chính vì vậy mà Thủ tướng đã đề cập rất nhiều đến xây dựng thể chế. Và rõ ràng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, “thể chế” luôn là một trọng tâm trong điều hành “kinh tế - xã hội” của Chính phủ. Dù sao cũng phải nhấn mạnh rằng: với khung khổ thể chế hiện nay, Chính phủ đã nỗ lực để phát huy tối đa những gì mà pháp luật định hình.

Bởi vậy, tái cơ cấu kinh tế không chỉ là việc sắp xếp, định vị lại các thành phần, khu vực kinh tế. Mà có lẽ quan trọng hơn, tái cơ cấu phải tập trung vào “tái tư duy phát triển”.

ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp:
Kinh tế tư nhân lực kéo nền kinh tế

Theo kế hoạch trong năm 2018, phải hoàn thành cổ phần hóa đối với 85 doanh nghiệp (64 doanh nghiệp của năm 2018, còn 21 doanh nghiệp là từ năm 2017 chuyển sang). Trong 64 doanh nghiệp phải cổ phần hóa của năm 2018 đa số tập trung tại 02 thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh 39 doanh nghiệp, thành phố Hà Nội 11 doanh nghiệp).

Vấn đề định vị lại DNNN cũng được Chính phủ coi là một nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ để khu vực kinh tế tư nhân phát huy tốt khả năng, trở thành lực kéo của nền kinh tế.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Không thể công nghiệp hóa một chiều

Chúng ta cần dồn sức xây dựng 15.000 hợp tác xã kiểu mới và đào tạo nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn. Đây là khâu quan trọng nhất để đưa nền nông nghiệp bước sang giai đoạn mới, đạt mục tiêu yêu cầu như Chính phủ đề ra. Chúng ta không thể công nghiệp hóa một chiều mà phải công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn mạnh mẽ để cân đối lực lượng lao động, hướng tới xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng thể chế, chính sách để xây dựng 6 nhà thành công.

Trong đó khuyến khích các hộ nông dân cho thuê đất nông nghiệp hoặc góp giá trị quyền sử dụng đất mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất để tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đạt lợi thế về quy mô, giảm chi phí trong chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO