Gây tai nạn làm chết một người chỉ phải bồi thường khoảng 200 triệu cho các tổn thất tinh thần, phí mai táng… Còn tai nạn bị thương phải phẫu thuật, điều trị có phải mất cả tiền tỷ.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định truy tố đối với bị can Phan Đình Quân ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để xét xử về tội giết người.
Theo cáo trạng, vào khoảng 16 giờ ngày 31/5/2016, Phan Đình Quân (38 tuổi, trú tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh điều khiển xe tải lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A. Khi đến đoạn đường thuộc xã Kỳ Tiến, Quân bất ngờ cho xe chuyển hướng từ quốc lộ 1A rẽ phải vào đường liên xã Kỳ Tiến và đâm trúng xe máy điện do em Hoàng Đức Phượng - học sinh lớp 12 Trường THPT Kỳ Anh điều khiển, đang lưu thông cùng chiều.
Biết mình đã gây tai nạn, Quân dừng và nhảy xuống xe quan sát thấy em Phượng nằm bất động phía trước bánh sau bên phụ xe ô tô. Sau đó, Quân lên xe cho xe chạy tiến lên đè qua đầu nạn nhân, làm cho nạn nhân bị vỡ sọ não dẫn đến tử vong.
Sự việc này cho thấy một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong tâm lý người lái xe đó là: Làm sao đây? Cứu sống được không? Có thể tàn phế hay không? Phải mất bao nhiêu tiền? Phải chịu bao nhiêu trách nhiệm? Thực tế đã có nhiều vụ, khi tài xế gây tai nạn làm chết một người chỉ phải bồi thường khoảng 200 triệu cho các khoản tổn thất tinh thần, chi phí mai táng… Thế nhưng nếu gây tai nạn mà không chết, bị thương nặng phải phẫu thuật, điều trị, có khi tài xế phải mất cả tiền tỷ.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia giao thông nói rằng: “Tâm lý tính toán mất nhân tính ở chỗ nếu cán chết hay vô tình cán chết người sẽ chỉ mất một lần bồi thường còn nếu đâm người khác bị thương phải nuôi dưỡng suốt đời, nhiều người tính toán ở chỗ đó nên bị thành tội giết người”.
Trong trường hợp này rõ ràng đã có sự tính toán dã man, thực dụng, không có tính người. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cướp đoạt tính mạng của người khác và trái pháp luật. Không có lý do nào biện hộ cho hành vi mất nhân tính đó cả.
Điều này cũng phần nào cho thấy, việc tồn tại tâm lý nguy hiểm đó của người lái xe cũng chính xuất phát từ chế tài xử lý quá nhẹ. Tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5, Nghị định 46/2016 quy định, người điều khiển, người được chở trên ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm..v..v.
Theo đó, các vụ án giao thông từ trước đến nay mức hình phạt rất nhẹ, không đảm bảo được tính răn đe riêng và phòng ngừa chung, về mặt nguyên tắc phải sửa đổi một số điều luật. Nếu sửa đổi thì phải tăng nặng hình phạt đối với nhóm tội này mới nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sợ tai nạn giao thông, là bởi họ đó là thứ tai họa từ trên trời rơi xuống, không ai biết trước, không rõ lý do, và chỉ nhận ra nó khi quá muộn... Ấy là chưa kể trường hợp đã nhận thấy nguy cơ, chủ động né tránh mà vẫn trở thành nạn nhân xấu số.
Trong khi, lâu nay nghề lái xe chưa được coi trọng đúng mức nên nhiều lái xe không yêu nghề và không có trách nhiệm thực sự với việc làm và hành động của mình. Những vụ tai nạn giao thông đường bộ thường có nguyên nhân chủ yếu do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật. Tác nhân của những vụ tai nạn thương tâm ấy chính là tay nghề, trách nhiệm, đạo đức của người lái xe.
Thế mới nói, nếu không có nền tảng đạo đức vững chãi, sống ở một xã hội mà phần đông không tốt hơn mình,thì càng lúc sự ích kỷ sâu trong tâm thức càng có xu hướng trở thành người bạn đời chung thủy, ta làm mọi thứ vì bản thân, mặc cho sự bất lợi, hậu quả cho người khác gánh chịu.