Trong bài phát biểu tại cuộc gặp đầu năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn quốc gia năm 2045.
Theo Thủ tướng tình hình kinh tế - xã hội có khởi sắc, nhất là đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt
Thủ tướng khẳng định: “Đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Nền kinh tế thị trường đã phát triển hơn trong nước sẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh, và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các tập đoàn, cho dù là tư nhân hay Nhà nước, vào năm 2045 đều tuân thủ những kinh nghiệm và nguyên tắc tốt có giá trị toàn cầu về quản trị doanh nghiệp khách quan, hoạt động trên một sân chơi bình đẳng đối với tất cả bên liên quan. “Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác; lòng yêu nước của chúng ta không hề thua kém họ” - Thủ tướng khẳng định.
Những thách thức lớn
Trong bài phát biểu gần hai giờ đồng hồ, nhắc lại cuộc làm việc đầu tiên với Bộ KH&ĐT năm 2016 ngay sau khi nhậm chức, mà tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc quán cà phê “Xin chào”, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ đã quán triệt tinh thần lớn là Chính phủ hướng về người dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, để người dân yên tâm làm ăn.
Dẫn lại các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 do Tổng cục Thống kê công bố, bộ số liệu mà theo Thủ tướng, là theo đúng Luật Thống kê, không có ai can thiệp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tình hình có khởi sắc, nhất là đời sống nhân dân được cải thiện, không để ai thiếu đói. Đây là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi “tăng trưởng cho ai, vì ai?”.
Thủ tướng cũng khẳng định, một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, qua đó, bãi bỏ quy hoạch gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, yếu kém cần khắc phục như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước nhưng còn chậm. Công tác quản lý, phân bổ còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức tốt. Thủ tướng lấy ví dụ như xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 30 có nhiều vấn đề mà các bộ, ngành không thống nhất được như chỉ định nhà đầu tư, tiền thuê đất…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên một số thách thức với Việt Nam trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, sụt giảm kinh tế toàn cầu. Ngoài ra còn có tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hụt hơi phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam bởi đó là đối tác thương mại lớn nhất…
Thách thức tiếp theo là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhiều vấn đề tiêu cực thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội nổi lên, chênh lệch giàu nghèo, nhân khẩu học, già hóa dân số, chênh lệch vùng miền…
Ông đề nghị khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, cần làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, huy động mọi nguồn lực, trí tuệ trong và ngoài bộ. Đặc biệt, cần bám sát phương châm hành động của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, coi đây là trọng tâm hành động trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng nhắc nhở không chỉ cho Bộ KH&ĐT mà còn liên quan đến các cơ quan nhà nước quan tâm đến phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến xã hội, bởi nội hàm của phát triển là cả kinh tế và xã hội.
Có thể bạn quan tâm
09:58, 12/02/2019
04:00, 11/02/2019
07:12, 25/01/2019
08:54, 18/01/2019
18:24, 17/01/2019
17:30, 17/01/2019
16:10, 17/01/2019
05:00, 17/01/2019
05:19, 19/02/2019
11:00, 18/02/2019
11:30, 15/02/2019
Cần những giải pháp mang tính chiến lược
Việt Nam cần có giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn. Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc năm 2015.
Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên có thể kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số đang tạo nên những áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên đang ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, "tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Với phân tích đó, Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn cho Bộ KH&ĐT.
Thứ nhất, với tư cách là bộ tổng tham mưu thì bộ phải hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2019 có thể tạo ra bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu các ngành. Trong thực hiện phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ năm 2019, trong đó có chữ “bứt phá” thì bộ KH&ĐT phải dẫn đầu về “bứt phá”.
Thứ hai, làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Bộ phải đề xuất cơ chế chính sách để đi vào hướng này.
Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng là gì.
Thứ tư, làm sao đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết 02, 35… nhưng không phải ban hành thế đã là xong. Ngành KH&ĐT cần tham vấn làm sao để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất.
Thứ năm, là làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.
Tầm nhìn Việt Nam 2030, 2045 Các ngành công nghiệp hiện đại và nền kinh tế dựa trên tri thức sẽ phát triển mạnh, được đặt trong một mạng lưới hiệu quả và được kết nối tốt tại các thành phố hiện đại, nơi mà các chính sách đô thị và nông thôn sẽ được đồng bộ chặt chẽ. Những đô thị như Hà Nội và TP.HCM sẽ tương tác với nền kinh tế toàn cầu và đảm bảo tính đa dạng đô thị, nhờ đó khuyến khích học tập, sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, kết nối mọi người và doanh nghiệp trên thế giới. GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), tương đương với Malaysia vào năm 2010. Khi đó trên 50% dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90% và đóng góp hơn 70% việc làm. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP ít nhất là 80%. Chỉ số phát triển con người theo Liên Hợp Quốc (HDI) đạt ít nhất 0,7. Tầm nhìn đến 2045, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới; trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi. Nền kinh tế với thu nhập tốt và đa dạng hóa các nguồn thu nhập; công nghiệp theo hướng hiện đại, khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 10% với nền sản xuất hiện đại mang tính công nghiệp, không còn ranh giới nông nghiệp thuần túy. Việt Nam hướng đến quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xây dựng quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe con người đẳng cấp thế giới, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 100% người dân với chất lượng cao; phát triển hệ thống bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất trên cả nước, nằm trong 20 nước có dịch vụ y tế tốt nhất thế giới. Chỉ số HDI nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số phát triển nhất thế giới, xây dựng gia đình văn hóa, tăng cường liên kết cộng đồng, Việt Nam trở thành một xã hội văn minh, hiện đại, tiếp tục phát huy thành quả của giai đoạn phát triển trước đến năm 2030. |