Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air dự kiến khai thác bay thương mại trong tháng 7-2020.
Trong năm đầu tiên khai thác, Vinpearl Air có kế hoạch khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp 150-220 ghế như Airbus A320, A 321.
Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội máy bay của Vinpearl Air đạt 30 chiếc. Đến năm 2025 Vinpearl Air vẫn khai thác 25 máy bay.
Ngoài các máy bay thân hẹp nói trên, Vinpearl Air có khai thác máy bay thân rộng loại 280-350 ghế như Boeing 787-9 hoặc Airbus A350-900.
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án hàng không Vinpearl Air là 4.700 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỉ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư; vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác 3.400 tỉ đồng, chiếm 72,3% tổng vốn đầu tư.
Về tiến độ thực hiện, Vinpearl Air dự kiến hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7-2020.
Theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, quy mô đội máy bay 6 chiếc ban đầu của Vinpearl Air và 30 chiếc vào năm 2025 là phù hợp với kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 như quy hoạch giao thông hàng không định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Theo hồ sơ dự án, Vinpearl Air dự kiến sử dụng Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ 2 máy bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020) tại đây. Các máy bay còn lại đỗ qua đêm tại các sân bay Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 29/09/2019
00:00, 22/08/2019
16:40, 16/08/2019
11:29, 10/07/2019
Tuy nhiên, đối với giai đoạn sau năm 2020, đề nghị Vinpearl Air lưu ý về việc Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 (khi chưa xây xong nhà ga T3) để có phương án bố trí đội máy bay đỗ qua đêm tại các cảng hàng không khác cho phù hợp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vietravel Airlines.
Theo hồ sơ của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), trong năm đầu tiên hoạt động, hãng sẽ khai thác 3 máy bay A320/321, B737 hoặc tương đương. Sau 5 năm, con số này tăng lên 8 chiếc. Hãng tập trung vào mô hình kinh doanh theo hình thức thuê chuyến (charter).
Dự án có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến Vietravel Airlines sẽ mất khoảng 9 tháng thực hiện đầu tư trước khi chính thức khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.
Vietravel Airlines chọn sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) làm sân bay căn cứ.
Căn cứ Nghị định 92/NĐ-CP ngày 1/7/2016, Bộ KH-ĐT đánh giá quy mô đầu tư như trên là phù hợp với quy định.
Mục tiêu dự án là xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, mô hình khai thác này của Vietravel Airlines tiềm ẩn không ít rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới phương án tài chính.
Hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và VASCO.
Sang năm 2019, có ba hãng Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Kite Air nộp hồ sơ xin thành lập hãng bay mới. Đến nay, chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không của Vietravel Airlines, Vinpearl Air đã được Bộ trưởng KH-ĐT trình Chính phủ xem xét, quyết định. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các hãng sẽ phải nộp hồ sơ chờ Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.