Tăng phí BOT: Đừng phục hồi theo cách dùng "oxy" của doanh nghiệp

Lê Linh 18/05/2020 14:57

Đại dịch COVID-19 vừa kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải đang tái khởi động“hồi sức” thì BOT cũng phục hồi theo cách dùng “oxy” của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp vận tải xôn xao khi nghe thông tin Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí BOT để “cứu” nhà đầu tư giao thông. Theo quan điểm của các nhà đầu tư BOT, nếu chậm tăng giá vé, vốn vay dự án sẽ “lãi mẹ đẻ lãi con”, tới lúc nào đó dự án sẽ đổ vỡ, “đánh gục” nhà đầu tư và kéo theo cả ngân hàng "chết chìm".

Trạm BOT không có xe lưu thông mùa dịch COVID-19.

Trạm BOT không có xe lưu thông mùa dịch COVID-19.

Ông Lê Hoàng Diệu, Giám đốc công ty vận tải Hoàng Ngọc Phát chia sẻ:“Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải chúng tôi lao đao, có doanh nghiệp cầm cự được, có những doanh nghiệp không thể vượt qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải khi mua vé qua các trạm BOT thường mua theo tháng, quý, năm nhưng gặp dịch cũng chưa được trả lại. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng, phí BOT, bảo trì đường bộ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải”.

Được biết, phí BOT đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Trong khi đó, các loại thuế, phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng,… vẫn giữ nguyên. Mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp vận tải hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để cứu nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp vận tải khác.

 “Trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và đề xuất điều chỉnh tăng lúc này là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để “cứu” nhà đầu tư, cơ quan quản lý phải đưa ra lộ trình, thời gian phù hợp, khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa, đi lại bình thường và kinh tế - xã hội phục hồi” - ông Khúc Hữu Thanh Hải, giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng bày tỏ quan điểm.

vừa kiểm soát được COVID-19 thì BOT đề xuất tăng giá.

Vừa kiểm soát được COVID-19 thì BOT đề xuất tăng giá.

Việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng, về lý tuy không sai, đúng theo nguyên tắc, nhưng về tình, ở thời điểm tất cả các doanh nghiệp đang “thoi thóp”, nhất là doanh nghiệp vận tải hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm là không hợp lòng người. Điều này giống như việc thấy doanh nghiệp thoi thóp thì BOT “bồi” thêm một cú cho gục hẳn.

“Doanh nghiệp vận tải không phản đối việc tăng phí dự án BOT theo lộ trình nhưng cũng rất mong Bộ GTVT, các doanh nghiệp BOT chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải. Vì đơn vị vận tải khôi phục lại được hoạt động kinh doanh thì trạm BOT mới có thu, trong bối cảnh hiện nay việc đồng loạt tăng phí các trạm BOT trên cả nước sẽ vô hình trung đẩy doanh nghiệp vận tải vào chỗ nguy cơ phá sản. Mà doanh nghiệp vận tải thì làm gì còn cái gì mà cắt xén nữa. Chỉ có khách hàng là thiệt” - ông Diệu nhận định.

Theo số liệu đến hết năm 2019, xác định có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

Bộ GTVT cho biết, Bộ đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Doanh nghiệp vận tải

Doanh nghiệp vận tải "đắp chiếu" mùa COVID-19.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP; sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng, quý, năm; lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo. Đặc biệt là việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp BOT gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với khoản vay.

Khi những khó khăn, vướng mắc nói trên chưa được giải quyết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết: “các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ GTVT cần có sự tính toán lại, xem xét tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao”.

Lý do Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vì dịch COVID-19 đã làm sụt giảm doanh thu doanh nghiệp BOT là không phù hợp, phản biện lại điều này ông Quyền cho biết: “Chỉ những dự án có doanh thu thu phí thấp hơn mới nên điều chỉnh, còn lại giữ nguyên là hợp lý. Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, nên xem xét cụ thể, rà soát làm sao để lần điều chỉnh này tổ chức thu phí BOT phù hợp, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân để không làm phát sinh thêm mâu thuẫn giữa người sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ, nảy sinh vấn đề mất công bằng”.

Cực chẳng đã thì nhà đầu tư BOT mới phải kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh mức giá, theo hệ quy chiếu của nhà đầu tư và ngân hàng cũng có những khó khăn “chết chìm” mà các doanh nghiệp không thể chia sẻ hết. Chung quy cũng tại “con virus COVID-19”.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ hậu COVID-19

    Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ hậu COVID-19

    12:59, 18/05/2020

  • Hậu COVID-19: Làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sẽ chú trọng vào lĩnh vực nào?

    Hậu COVID-19: Làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sẽ chú trọng vào lĩnh vực nào?

    11:28, 18/05/2020

  • Không chỉ Việt Nam, các doanh nghiệp khắp thế giới cũng ưu tiên cắt giảm chi phí để ứng phó với Covid-19

    Không chỉ Việt Nam, các doanh nghiệp khắp thế giới cũng ưu tiên cắt giảm chi phí để ứng phó với Covid-19

    11:19, 18/05/2020

  • THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Quan hệ

    THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Quan hệ "tay đôi" giữa hai siêu cường

    11:00, 18/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng phí BOT: Đừng phục hồi theo cách dùng "oxy" của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO