Bạn có thể đã nghe nói đến chiến dịch #DeleteFacebook, nhưng bạn có thể là một trong số đại đa số gần 2 tỷ người dùng Facebook sẽ không làm theo khẩu hiệu này.
Trong bối cảnh vụ bê bối về bảo mật dữ liệu liên quan đến công ty Cambridge Analytica, các nhà phê bình công nghệ và người dùng đang xem xét lại khái niệm rời bỏ Facebook và tách mình khỏi một trong những đế chế quảng cáo rộng khắp nhất thế giới. Quyết định xóa Facebook đặt ra hai câu hỏi: 1. Facebook đã đánh mất sự tin cậy cần thiết của một người quản lý thông tin cá nhân của chúng ta? 2. Sức ảnh hưởng của công ty này về cuộc sống trực tuyến và ngoại tuyến có quá lớn đến mức không bao giờ có thể rời xa?
Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là có,nhưng câu trả lời cho câu hỏi thứ hai gây ra tâm lý lo ngại nhiều hơn: đối với hầu hết chúng ta vào năm 2018, Facebook quá lớn để chúng ta rời bỏ. Không có công ty nào khác trong lịch sử, ngoài Google, thu hút được nhiều người dùng trên không gian số như Facebook. Không giống như Google, Facebook không có đối thủ cạnh tranh thực sự nào khi nói đến các dịch vụ chính mà công ty này cung cấp. Trên thực tế, Facebook là một công ty độc quyền: sở hữu mạng lưới trực tuyến khổng lồ, đến mức ngay cả Zuckerberg cũng đồng ý rằng có thể đã đến lúc Facebook cần được quản lý bởi chính phủ liên bang.
CEO Mark Zuckerberg thậm chí còn có dữ liệu chứng minh khi nói với tờ New York Times ngày hôm qua rằng ông không nhìn thấy một "một số lượng lớn” người dùng xóa tài khoản của họ.
Tất cả điều đó có nghĩa là mặc dù công ty đang phải thực hiện một chiến dịch quan hệ công chúng để khắc phục hình ảnh, xoa dịu các nhà phê bình, và chịu đựng lời kêu gọi tẩy chay, cỗ máy Facebook tiếp tục vận hành. Độc quyền là một điều rất khó để ngăn chặn.
Facebook là miễn phí. Facebook không bán một dịch vụ cho người dùng, mà bán quyền truy cập cho sự chú ý của người dùng thông qua quảng cáo. Với việc không có trao đổi tiền tệ nào liên quan đến đại đa số người sử dụng Facebook, công ty có thể duy trì ảo tưởng rằng không có giá trị bị thay đổi chủ sở hữu. Điều đó làm cho ảnh hưởng của cuộc tẩy chay trở nên mơ hồ hơn, và có thể dẫn đến việc người dùng quyết định giữ tài khoản của mình.
Sự phản kháng lại chiến dịch #DeeteFacebook dường như bắt nguồn từ sự thờ ơ của người dùng nhưng cũng từ mối lo ngại rằng rời bỏ hệ sinh thái Facebook sẽ khiến một người mất đi một trong những dịch vụ internet có giá trị và các kết nối xã hội hữu hình với bạn bè và gia đình. Khoảng 68% người lớn ở Mỹ sử dụng Facebook, và hơn 2/3 trong số đó kiểm tra trang web Facebook hoặc ứng dụng di động Facebook mỗi ngày.
Phần lớn hoạt động này liên quan đến lướt qua News Feed và các thông báo một cách vô thức mỗi ngày. Nhưng qua nhiều năm, Facebook đã giữ vững vị thế của mình trên thị trường mạng xã hội bằng cách trở thành dịch vụ xác thực và có giá trị cho nhiều người. Mạng lưới bạn tạo ra trên Facebook, mặc dù có thể dễ dàng được sao chép trong một bảng tính excel hoặc ứng dụng ghi chú cũ, lại thường là nguồn tài nguyên vô giá cho nhiều người cả về mặt công việc và cá nhân. Mất đi nguồn tài nguyên đó có nghĩa là mất liên kết xã hội hữu hình với những người mà chúng ta quan tâm.
Vì vậy, khi mọi người tranh luận về việc rời bỏ Facebook - điều mà chúng ta thực sự cần hướng tới là phân tích hiệu ích kinh tế mà nghiêng chủ yếu về những gì một người đánh mất khi họ bỏ Facebook. Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng Facebook dẫn đến sự không hạnh phúc, chiến dịch #DeleteFacebook chủ yếu dựa vào ý thức hệ, hoặc ít nhất là gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu bạn bỏ Facebook, bạn có thể an tâm hơn khi biết rằng bạn không bị theo dõi, phân tích hồ sơ và nhìn thấy quảng cáo. Nhưng những gì bạn từ bỏ là quyền truy cập vào các dịch vụ có giá trị như Instagram và Messenger. Đó là một sự trao đổi mà hầu hết người dùng không sẵn sàng thực hiện.
Bạn có thể trải qua quá trình xóa tài khoản phức tạp, tải về một ứng dụng nhắn tin được mã hóa như Signal và đăng ký Instagram bằng một địa chỉ email miễn phí. Bạn bè và gia đình bạn vẫn sẽ có mặt ở ngoài đời thực. Nhưng đối với nhiều người, Facebook và hệ sinh thái Facebook là cánh cổng trực tuyến tới thế giới thực, và xóa bỏ chính mình khỏi không gian đó đi kèm với một cái giá khá đắt.