Thái Bình đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá phát triển, 5 nhiệm vụ trọng tâm

KHẮC LÃNG thực hiện 05/02/2021 11:08

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: 3 đột phá phát triển và 5 nhiệm vụ trọng tâm… là trụ cột nền tảng để tạo bước nhảy vọt cho nền kinh tế Thái Bình trong năm 2021

ông Nguyễn Khắc Thận, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tuy năm 2020 chịu tác động đại dịch COVID-19, nhưng với nỗ lực cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của Thái Bình cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP theo giá so sánh ước đạt 53.393 tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2019 (kế hoạch tăng 10%). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 154.251 tỷ đồng, tăng 1,8%... Trong 21 chỉ tiêu kế hoạch, có 13 chỉ tiêu vượt/đạt kế hoạch; 08 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

- Mặc dù tác động của đại dịch, nhưng bức tranh kinh tế của Thái Bình vẫn có nhiều điểm sáng. Động lực từ đâu thưa ông?

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh dù không đạt kế hoạch đã đề ra, song nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng khá, GRDP tăng 3,23%, cao hơn mức tăng trưởng dự kiến của cả nước. Có được kết quả khả quan trên, tôi cho rằng có 4 động lực chính duy trì, phát triển kinh tế Thái Bình.

Thứ nhất, là sự tập trung cao độ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp do Trung ương Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Thái Bình đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động…

Thứ hai, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù rất khó khăn do đại dịch nhưng Thái Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 94%). Việc triển khai lập, thẩm định dự án, tạm ứng và thanh toán vốn đầu tư được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định.

Thứ ba, chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, huy động tối đa sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn được nâng cấp và dần hoàn thiện tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn…

Thứ tư, công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

- Năm 2020 số lượng doanh nghiệp trên cả nước giải thể khá lớn, còn với Thái Bình, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, UBND tỉnh đã có những giải pháp nào?

Năm 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh của tỉnh Thái Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 629 doanh nghiệp, 75 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký mới trên 5.300 tỷ đồng, giảm 20,4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 32,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. 255 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, 59 doanh nghiệp tự giải thể. Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Một số doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, tạm dừng một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Xác định được những thách thức này của doanh nghiệp, ngay từ đầu năm chúng tôi đã kịp thời ban hành một số chính sách để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như miễn giảm, giảm mức thu phí, lệ phí...

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2020 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

- Thu hút đầu tư vào tỉnh vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã có những chính sách, cơ chế gì để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp?

Thái Bình xác định việc thu hút đầu tư vào tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đồng hành cùng các doanh nghiệp, coi thành công hay thất bại của doanh nghiệp là thành công, thất bại của tỉnh. Với tinh thần đó, chúng tôi luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện trên cơ sở trên cơ sở đổi tên và tổ chức lại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Trung tâm phục vụ Hành chính công hoạt động theo phương châm “5 tại chỗ” bao gồm: tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hồ sơ, đóng dấu hồ sơ và trả kết quả. Đến nay đã có 100% sở, ngành của tỉnh với 100% số thủ tục hành chính được triển khai thực hiện thủ tục “5 tại chỗ”. Ngoài ra, đã có huyện Đông Hưng và Thành phố Thái Bình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương châm “5 tại chỗ” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của địa phương.

Khu công nghiệp Tiền Hải hiện đã thu hút được hơn 60 doanh nghiệp vào đầu tư.

Khu công nghiệp Tiền Hải hiện đã thu hút được hơn 60 doanh nghiệp vào đầu tư.

Không chỉ vậy, các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh đã quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội như hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp... thu hút đầu tư.

- Năm 2021 được đánh giá là năm tiếp tục khó khăn với nền kinh tế. Để tạo bước phát triển đột phá trong năm 2021, Thái Bình sẽ phải làm những gì thưa ông?

Năm 2021 là năm đầu tiên, giữ vai trò động lực trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để tạo bước đột phá trong năm 2021, làm động lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ khẩn trương, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá phát triển và 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, 3 đột phá: tập trung triển khai là tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân.

5 nhiệm vụ: tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực đổi mới sáng tạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; đ ẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tham gia vào chuỗi giá trị; thường xuyên củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh; xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch nội ngành theo hướng tăng nhanh hơn tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đặc biệt, tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước…

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ doanh nghiệp đen “lộng hành” tại Thái Bình (Kỳ 7): Cần xử nghiêm hành vi “côn đồ”!

    04:30, 03/02/2021

  • Thái Bình: Phạt doanh nghiệp “coi thường pháp luật” 350 triệu đồng

    10:44, 12/01/2021

  • Hải Phòng: Tặng Thái Bình 550 tấn xi măng xây dựng Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng

    10:00, 30/12/2020

  • Thái Bình: Xin giãn tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trạm BOT đường 39B

    12:28, 23/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá phát triển, 5 nhiệm vụ trọng tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO