Giải phóng mặt bằng các dự án, công trình là “chìa khoá” để tỉnh Thái Bình thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt danh mục 37 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ưu tiên 7 lĩnh vực đầu tư bao gồm: hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng giao thông; công nghiệp; nông nghiệp - ngư nghiệp; thương mại, dịch vụ; bảo vệ môi trường; thủy lợi, đê điều.
Việc kêu gọi đầu tư này được coi là sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh kế - xã hội của tỉnh Thái Bình, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 tác động đến toàn ngành kinh tế.
Hiện, tỉnh Thái Bình đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A; dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn… Tuy nhiên, tiến độ GPMB của một số dự án còn rất chậm.
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đi qua hai 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Hiện công tác GPMB tại nút giao Km28+0,00 thuộc địa bàn xã Đông Minh, huyện Tiền Hải còn vướng 3 hộ dân chưa nhận tiền đền bù; tại khu dân cư đường huyện thuộc xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Km36+300) còn 9 hộ dân chưa GPMB. Còn tại nút giao quốc lộ 39 Km10+900 thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy còn 21 hộ dân cũng đang vướng mắc trong công tác GPMB.
Theo chia sẻ của một số hộ dân tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, sở dĩ các hộ dân chưa nhận tiền bù vì đơn giá đền bù, hỗ trợ GPMB chưa sát với giá thị trường. Phía các hộ dân cũng bày tỏ mong muốn nhà nước đảm bảo quyền lợi thoả đáng cho người dân theo đúng các quy định về thu hồi đất, để họ sớm ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện công tác GPMB dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo đúng quy định. Trong trường hợp cần thiết phải cưỡng chế theo pháp luật. Đồng thời, hoàn thành GPMB diện tích đất ở tại huyện Thái Thụy và Tiền Hải xong trước ngày 30/9. Đối với diện tích đất nông nghiệp tại huyện Thái Thụy, địa phương và các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm trong tháng 8/2021.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện công ty TNHH đầu tư thương mại và vận tải An Trang cho biết, theo tìm hiểu dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình vẫn đang vướng mắc trong công tác GPMB. Doanh nghiệp hy vọng chính quyền địa phương sớm gỡ được nút thắt mặt bằng để dự án được triển khai đúng kế hoạch và đi vào hoạt động. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có thêm lựa chọn về tuyến đường vận tải hàng hoá. Đồng thời, tuyến đường cũng sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp có thể kết nối với đối tác trong KCN tại Thái Bình để vận chuyển hàng hoá.
Không chỉ tập trung GPMB các dự án giao thông, việc GPMB trong KCN để có mặt bằng sạch bàn giao cho các nhà đầu tư cũng được tỉnh Thái Bình gấp rút triển khai.
Cụ thể, tại dự án KCN Liên Hà Thái, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, đây là dự án có quy mô gần 600ha, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN... Dự án được xác định có vị trí địa lý thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường thủy. Dự kiến khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Thái Bình khoảng trên 432,8 tỷ đồng/năm tiền thuế các loại, phí phải nộp khác. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 50.000 lao động. Hiện dự án vẫn đang trong quá trình GPMB để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp.
Theo UBND huyện Thái Thụy, dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc chủ yếu ở cơ chế hỗ trợ cho một số hộ có đất thuộc vùng chuyển đổi; dịch chuyển khu xử lý rác thải và đường điện của thị trấn Diêm Điền. Hiện, địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, để rút ngắn thời gian GPMB dự án, huyện Thái Thụy cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm hiểu việc GPMB dự án có gì bất cập, kịp thời tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết hoặc đề xuất với cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh, bổ sung. Đồng thời, yêu cầu huyện Thái Thuỵ nhanh chóng xây dựng phương án di chuyển khu xử lý rác thải trên địa bàn; bám sát quy hoạch liên quan đến đường điện đã được phê duyệt để thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Thận, các đơn vị, địa phương phải tập trung GPMB đối với diện tích quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải của KCN Liên Hà Thái và diện tích mà 2 nhà đầu tư thứ cấp là: Greenworks, Lotes.
Về phía nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái, ông Thận đề nghị chủ đầu tư dự án huy động nhân lực, máy móc, tài chính, có phương án khả thi đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng bảo đảm đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Về phía BQL KKT và các KCN tỉnh, đơn vị cần phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp có quy mô lớn vào đầu tư tại KCN. Để làm được điều này, thì ngoài việc GPMB cho các nhà đầu tư thứ cấp đã đăng ký thì địa phương và các đơn vị liên quan cần GPMB các hạng mục hạ tầng khác trong KCN.
Theo ban BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, để sớm có mặt bằng sạch, bàn giao cho các nhà đầu tư, đơn vị sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng trong KCN, KKT; tập trung GPMB các dự án có quyết định thành lập, quyết định chủ trương đầu tư để sớm có mặt bằng sạch, bàn giao cho nhà đầu tư.
Theo đại diện công ty CP Green I Park – nhà đầu tư hạ tầng dự án KCN Liên Hà Thái, công ty đang đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, tiến độ thi công trạm điện và di dời lưới điện 110kV. Phía nhà đầu tư cũng đang tích cực phối hợp với BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Ngoài 2 nhà đầu tư thứ cấp là Greenworks và Lotes đã đầu tư vào KCN Liên Hà Thái với tổng vốn đăng ký khoảng 420 triệu USD thì KCN cũng đang được một số nhà đầu tư thứ cấp khác đến tìm hiểu và nghiên cứu cơ hội đầu tư.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Học – Giám đốc công ty CP SHC cho biết, doanh nghiệp đang tìm hiểu đầu tư một nhà máy sản xuất gốm tại Thái Bình. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo ngại chính là việc GPMB để có mặt bằng sạch xây dựng nhà máy. Hy vọng, tỉnh Thái Bình sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục liên quan đến công tác GPMB, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, gắn bó với địa phương.
Có thể bạn quan tâm
UBND Thái Bình ký hợp tác với Tập đoàn VNPT để xây dựng chính quyền điện tử
07:27, 02/07/2021
Thái Bình: lấy 2.600 mẫu bệnh phẩm trong đêm
17:59, 26/06/2021
Thái Bình: Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong mùa COVID-19
16:15, 20/06/2021
Thái Bình: Công bố, trao chứng nhận cho 17 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao
09:41, 20/06/2021
Thái Bình: "Mở cửa" đón nhà đầu tư bằng cách nào?
01:31, 13/06/2021