Những năm qua, hoạt động KH&CN tỉnh Thái Bình có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Và trở thành động lực then chốt trong tiến trình đổi mới và phát triển.
>>Thái Bình đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Quang Hiệp – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ, để bắt nhịp và bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động KH&CN luôn được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Ông Trịnh Quang Hiệp cho biết, thời gian qua, lĩnh vực KH&CN của tỉnh đã được cơ cấu theo hướng: Cùng với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo thì tăng cường khoa học ứng dụng nhằm đi tắt đón đầu, nhanh chóng đưa các tiến bộ KH&CN áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thái Bình đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây trồng mới triển vọng, có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như dưa lê (Kim bạch và Cẩm Châu), măng tây xanh, bí đá trái dài,… Tỉnh cũng thực hiện nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng bản địa quý như lúa Nếp bể (Vũ Thư), Hồng xiêm nhót (Lô Giang), rau thông muối (Thụy Hải) và Mít dai vàng (Hà Giang - Đông Hưng). Trong công tác chăn nuôi, việc ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản; Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp của CTCP TM Thành Đạt,...
Ở lĩnh vực y tế có đề tài nghiên cứu đặt stent động mạch vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp; Điển hình là việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính bằng sử dụng năng lượng sóng có tần số Radio và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp nút hóa chất động mạch sử dụng máy số hóa xóa nền (DSA) đều tại BVĐK tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực; Quy trình công nghệ chiết suất curcumin từ nghệ quy mô công nghiệp; Mô hình sản xuất một số loại giống và cây dược liệu Đinh lăng, Cà gai leo huyện Quỳnh Phụ,...
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; Xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển. Nhiều kết quả đề tài, sáng kiến KH&CN đã được ứng dụng rộng rãi, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Ông Trịnh Quang Hiệp, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX của tỉnh Thái Bình nêu rõ: Trong việc đẩy mạnh phát triển thì khâu đột phá thứ 3 đó là lấy KH&CN làm trung tâm và là mũi nhọn. Muốn thực hiện tốt Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, KH&CN phải làm tốt 1 trong 3 khâu đột phá phát triển của tỉnh. Vì vậy, Sở KH&CN đã tham mưu: 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp và 6 Nhiệm vụ trọng tâm.
>>Thái Bình: Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2022
Để hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN cả về số lượng và chất lượng, thời gian tới, Sở tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030”; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp để phát triển công nghệ, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới sáng tạo;
Thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Đầu tư xây dựng Khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao tỉnh Thái Bình; Đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị Thái Bình nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, gắn kết hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩn KH&CN, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh; Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh; Tham mưu phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Xây dựng khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao tỉnh Thái Bình; Xây dựng thư viện KH&CN điện tử phục vụ tra cứu thông tin, phổ biến tri thức KH&CN; Xây dựng và tổ chức “Diễn đàn tri thức Thái Bình chung sức xây dựng quê hương”.
Cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm định hướng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo làm tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH; đưa KH&CN trở thành động lực chính tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản chủ lực, nâng cao thu nhập cho nông dân Thái Bình.
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ an toàn và công nghệ chế biến tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản và thúc đẩy CNH-HĐH công nghiệp nông thôn. Thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ CNTT; ứng dụng có hiệu quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chính quyền quản lý thông minh, đô thị thông minh trong các ngành, lĩnh vực.
Phát triển KH&CN là nhiệm vụ tất yếu vừa mang tầm chiến lược, vừa mang tính cấp thiết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng thành công KH&CN được coi là chìa khóa vàng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng tới một đô thị thông minh trên cả nước.
Có thể bạn quan tâm