Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp trong các gói thầu mua trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao trong phòng chống dịch COVID-19.
UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành kết luận thanh tra số 157/KL-UBND về việc thực hiện các gói thầu mua trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở Y tế Thái Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Theo đó UBND tỉnh Thái Bình giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở có liên quan tiến hành các thủ tục và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Khi nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông bị bắt giam trong vụ CDC Hà Nội nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động. Lúc này thông tin mỗi địa phương lại mua thiết bị phòng chống COVID-19 một giá khác nhau khiến dư luận hoài nghi có sự trục lợi và Thái Bình cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó.
Được biết, đầu năm 2020 Sở Y tế Thái Bình có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyệt để làm chủ 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 43 tỷ đồng và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình làm chủ đầu tư 3 gói thầu khác với tổng giá trị hơn 4,7 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra cho thấy, hầu hết các gói thầu này đều có sai phạm với mức độ khác nhau.
Kết luận thanh tra nêu rõ, tại một số gói thầu mua sắm có hiện tượng giá ký kết trên hợp đồng thấp hơn giá trúng thầu ban đầu. Nhưng lại không làm rõ vì sao các gói thầu đều giảm giá một cách bất thường.
Cụ thể, gói thầu mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi (gói thầu số 1), đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, giá trúng thầu là trên 19,3 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng được ký kết là gần 17,9 tỷ đồng.
Tại gói thầu mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Real Time-PCR cho CDC Thái Bình, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, với mức giá trúng thầu là gần 6,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi trên hợp đồng lại được giảm xuống chỉ còn 5,8 tỉ đồng.
Tại gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 11 bệnh viên đa khoa tuyến huyện do Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Lê trúng thầu với giá 20,6 tỉ đồng, nhưng đến khi ký hợp đồng cũng đều đã giảm xuống còn 18,5 tỉ đồng.
Còn đối với các thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, kết luận thanh tra cho biết, gói thầu mua sắm thuốc, hoá chất, sinh phẩm và trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 do Công ty CP y tế và đầu tư thương mại Sao Nam trúng thầu, giá trị hợp đồng còn lại (sau khi chấm dứt hoạt động) là 4,24 tỷ đồng. Công ty TNHH Hưng Mỹ trúng thầu gói mua sắm vật tư y tế, với giá trị được ký gần 200 triệu đồng. Công ty cổ phần y tế và đầu tư thương mại Sao Nam trúng thầu gói mua sắm hoá chất và sinh phẩm, giá trị hợp đồng được ký kết gần 249 triệu đồng.
Kết quả thanh tra cũng nêu rõ, trong hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, máy truyền dịch có cùng hãng, năm sản xuất và model là TE-LF600 không đúng với danh mục dự toán đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.
Hồ sơ đề xuất của doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm: nhà thầu kê khai thông tin không có thực, 4 nhân lực thực hiện gói thầu không phải nhân sự của công ty như trong hồ sơ đề xuất, không đúng với yêu cầu kê khai trung thực của hồ sơ yêu cầu. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty năm 2016 thể hiện số liệu so sánh là số liệu trên báo cáo tài chính năm 2014 của công ty.
Tại gói thầu số 05 do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra phát hiện hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc có nhiều vi phạm: Số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 trong hồ sơ đề xuất của đơn vị không trùng khớp với số liệu trên bảng kê năng lực tài chính của nhà thầu. Tại thời điểm nộp hồ sơ đề xuất, số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 không đúng với số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 quyết toán gửi cơ quan thuế; không có bản dịch tiếng Việt tài liệu kỹ thuật trong hồ sơ đề xuất theo yêu cầu; một số thông tin kỹ thuật không đúng với catalogue kèm theo hồ sơ đề xuất…
Kết luận thanh tra còn phát hiện hợp đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư bưu điện tại gói thầu số 09 có mặt hàng máy truyền dịch model Top-2300, hãng sản xuất Top/Nhật Bản, xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng thầu máy truyền dịch có model là Top 2300, hãng sản xuất Meditop/Malaysia, xuất xứ Malaysia.
Đáng chú ý, qua kiểm tra thực tế việc lắp đặt, bàn giao thiết bị tại các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, thanh tra phát hiện hồ sơ, thủ tục không đầy đủ. Các tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là các bản photo đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hóa nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP…), tỷ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,...
“Một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xóa giá trị như các loại Commercial Invoice (hóa đơn thương mại) không có giá trị tính trên đơn vị (price/unit) và tổng giá trị (Total amount)” – kết luận nêu rõ.
Căn cứ kết quả thanh tra, thanh tra tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương phối kết hợp để thực hiện nghiêm túc các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) trước ngày 20/9/2020.
Có thể bạn quan tâm
BSR bàn giao hệ thống máy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Quảng Ngĩa
14:33, 31/08/2020
BSR hỗ trợ Quảng Ngãi 2,5 tỷ đồng mua máy xét nghiệm Covid-19
11:20, 12/08/2020
Quảng Nam yêu cầu hủy gói thầu mua máy xét nghiệm COVID-19
11:00, 09/07/2020
Thanh tra máy xét nghiệm COVID-19 ở Quảng Nam: Kiểm điểm hai giám đốc Sở
16:35, 24/06/2020