Thấm đòn thương chiến: Doanh nghiệp Trung Quốc "dứt áo ra đi"

Lê Trang 12/08/2019 23:00

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng, rất nhiều các công ty nước ngoài đã dịch chuyển ra khỏi đại lục, và giờ đến lượt chính các doanh nghiệp Trung Quốc "dứt áo ra đi" khỏi quê hương mình.

Các công ty Trung Quốc đang theo chân các doanh nghiệp nước ngoài trong làn sóng rời khỏi đại lục, nhằm tìm kiếm và xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài, giúp giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết với Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Nikkei, kể từ tháng 6 năm ngoái, 33 công ty Trung Quốc vốn đã niêm yết, đã thông báo cho hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc là Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài.

Cũng như các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, nhiều đợt thuế quan giáng xuống hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết hợp với yếu tố tiền lương tăng cũng như các chi phí khác, là một yếu tố đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc rời khỏi đất nước.

Gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc xem Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ, trong khi số còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

Trong số các công ty đó có Kim Hoa Chunguang - một nhà sản xuất sản phẩm cao su, ngày 19/7 vừa qua đã công bố khoản đầu tư trị giá 4,35 triệu đô la để thành lập một cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Đây là cơ sở sản xuất thứ ba của công ty, bên cạnh ba nhà máy hiện có đang đặt tại Malaysia và Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải, cho biết khoản đầu tư này là một phản ứng đối với "những thay đổi trong môi trường quốc tế", cũng như một phần của kế hoạch mở rộng toàn cầu của họ.

Có thể bạn quan tâm

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc ngày một mạnh mẽ

    Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc ngày một mạnh mẽ

    12:06, 11/04/2019

  • Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

    Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

    18:12, 22/03/2019

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất điện tử khỏi Trung Quốc

    Làn sóng dịch chuyển sản xuất điện tử khỏi Trung Quốc

    00:11, 21/10/2018

  • Hệ lụy từ dịch chuyển sản xuất của Trung Quốc

    Hệ lụy từ dịch chuyển sản xuất của Trung Quốc

    06:50, 14/01/2018

Thế mạnh trong sản xuất của Kim Hoa là vòi sử dụng trong máy hút bụi – loại mặt hàng chịu mức thuế nhập khẩu trong vòng trừng phạt thứ ba của Tổng thống Donald Trump, áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trong nửa cuối năm 2018, với lý do Trung Quốc có những hoạt động thực hành thương mại không công bằng.

Kim Hoa không phải là công ty duy nhất tháo chạy khỏi chính quê nhà của mình. Công ty Công nghiệp Henglin tại tỉnh Chiết Giang cũng đang tìm đến Việt Nam, nơi họ mua lại một nhà máy vốn thuộc sở hữu của Đài Loan như một phần trong khoản đầu tư mở rộng trị giá 48 triệu USD của mình.

Lãnh đạo của công ty này cho biết: "Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm nay". Henglin được biết đến như một trong những nhà gia công đồ nội thất cho hãng Ikea nổi tiếng đến từ Thụy Điển và hãng Nittori của Nhật Bản.

Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất đồ công nghiệp. Các nhà sản xuất dệt may cũng đã quyết định tăng sản lượng tại Việt Nam, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng của các công ty may mặc vốn đã hoạt động tại đây.

Vào cuối năm ngoái, hãng thời trang Huafu Fashion tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu đô la) để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất sợi cuộn này cho biết việc thành lập một cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ cho phép họ có nguồn cung nguyên liệu rẻ hơn, bên cạnh việc giảm chi phí lao động và quan trọng nhất là có thể tránh hàng rào thuế quan từ Mỹ.

Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc không chỉ là các công ty phương Tây

Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc không chỉ là các công ty phương Tây (Ảnh: Bloomberg)

Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, mức lương cơ sở của Trung Quốc đã tăng 44%, lên 6.193 CNY mỗi tháng trong 5 năm qua. Đây được xem là con số lớn so với mức tăng 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng thời kỳ.

Các nhà phân tích cho biết chi phí sản xuất tăng, chính là yếu tố thúc đẩy các công ty Trung Quốc rời bỏ chính quê nhà của mình, thậm chí ngay cả trước cuộc chiến thương mại.

Thật vậy, những chính sách hay động thái được xem là gây khó dễ trên của Trung Quốc thậm chí đã xuất hiện kể từ năm 2001, nhưng tại thời điểm đó, có rất ít công ty cảm thấy cần thiết phải dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài do thị trường khổng lồ tại Trung Quốc.

Thế nhưng, "những gì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã là giọt nước tràn ly, làm đẩy nhanh xu hướng này. Và điều này có khả năng mang lại lợi ích cho các nước như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam", Darren Tay, nhà phân tích rủi ro tại Fitch Solutions nhận định.

"Một lực lượng lao động lành nghề, được giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng tốt và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do mạnh mẽ" cũng là những yếu tố, theo nhận định của ông Rajiv Biswas - nhà kinh tế tại Singapore IHS Markit.

Thế nhưng, trong khi hầu hết các quốc gia đều hoan nghênh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc như từ bất kỳ một quốc gia nào khác, thì Tổng thống Trump lại không dễ để bị qua mặt như thế.

Ông chủ Nhà Trắng gần đây đã đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ đô la còn lại từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9. Nói về điều này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Chúng ta phải thiết lập các biện pháp để ngăn chặn các sản phẩm của Trung Quốc được dán nhãn Việt Nam, nhằm tránh những tác động gián tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ".

Ở các quốc gia khác, câu chuyện cũng không mấy dễ dàng hơn, nhưng lại là theo một hướng khác. Mới đây, Công ty ô tô Xinquan đến từ tỉnh Giang Tô đã công bố rằng họ đang đầu tư 64,4 triệu ringgit (tương đương 15 triệu đô la) vào Malaysia.

Thế nhưng, khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ khách hàng chính của họ là công ty Chiết Giang Geely Holding - một công ty sản xuất oto, vốn có hoạt động hợp tác với nhà sản xuất ô tô quốc gia Malaysia Proton Holdings để bán tại thị trường Đông Nam Á. Đây được xem là một trong những hoạt động nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Mặc dù rất chào đón dòng vốn FDI từ bất kể là Trung Quốc hay một quốc gia nào, nhưng phía Malaysia đã phát đi những thông điệp rất rõ ràng, rằng: "Malaysia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, đi kèm theo đó là việc chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân lực địa phương và chắc chắn không phải là sự di cư ồ ạt của lao động Trung Quốc", một quan chức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho biết.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chỉ trích trực tiếp các khoản đầu tư của Trung Quốc vốn được thông qua bởi người tiền nhiệm. Ông Mahathir nói với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm ngoái rằng, Malaysia sẽ không cho phép "phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân".

Theo giới quan sát, việc các dây chuyền sản xuất được di chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ khiến lao động Trung Quốc mất việc làm và nền kinh tế nước này thêm trì trệ. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Đứng trước xu hướng dịch chuyển sản xuất, không chỉ của các doanh nghiệp đến từ phương Tây, phía Bắc Kinh vẫn khá lạc quan về tình hình. Giám đốc Bộ phận Tổng hợp thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc Chu Shi Jia đã gọi các quyết định rút sản xuất khỏi Trung Quốc từ các công ty là "điều bình thường" và chỉ là số lượng ít.

Theo ông Chu, việc di dời dây chuyền sản xuất công nghiệp ra hoặc vào một đất nước nào đó chỉ là một hiện tượng bình thường dưới nền kinh tế thị trường.

Ông Chu lý giải một số công ty chọn phương án chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc tùy thuộc vào nhu cầu phát triển của họ. Do đó, ông khẳng định vấn đề này không liên quan tới chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Darson Chiu, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nhận định, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều phải chịu một số tác động tiêu cực từ quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất khi mà sản phẩm có thể đắt hơn. Tuy nhiên, "Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế của nước này có thể trì trệ hơn nữa và nhiều công nhân sẽ phải tìm việc ở lĩnh vực khác"

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấm đòn thương chiến: Doanh nghiệp Trung Quốc "dứt áo ra đi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO