Thủ tướng phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2019.
Trước đó, trong Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp thứ 29 Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm có Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Sớm có luật về PPP cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đề cập trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) mới được tổ chức đầu tháng 12/2018. Dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chương trình PPP, nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF nêu con số, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức PPP.
Nhưng, theo nhóm này thì hầu như không có bất kỳ dự án nào tuân theo cơ chế PPP quy định tại nghị định 15 và nghị định 63. Cụ thể, ông Tony Foster Trưởng nhóm Công tác đầu tư - (VBF), PPP rất phức tạp, đây không phải đặc thù tại riêng Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà Nước là có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị.
Theo đó, PPP chỉ thực sự bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những vướng mắc hiện nay.
Trước tiên, phải kể đến việc không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính, vì vậy, các nhà đầu tư không biết làm thế nào để được hỗ trợ?
Hai là, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính là yếu tố trung tâm của PPP, tuy nhiên, việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó dường như các nhà dầu tư, doanh nghiệp tư nhân không mặn mà lắm với PPP.
Ba là, PPP quá nguyên tắc và thường rất khó có thể đáp ứng kịp thời tất cả các yêu cầu của phương thức hợp tác này.
Bốn là, hoạt động đấu thầu gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả cho Việt Nam hơn các dự án được thương lượng, đàm phán riêng.
Do đó, nhóm công tác cơ sở hạ tầng tin rằng, thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án đầu tư thông qua mô hình PPP cần có sự kết hợp đồng thời giữa việc hỗ trợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trước tiên, trong ngắn hạn, nếu những dự án này được thiết kế theo yêu cầu, chúng có thể mang lại kiến thức về thị trường và tạo lập cơ sở cho các dự án sau này. Đặc biệt là liên quan đến việc phân chia rủi ro.
Nhóm công tác đặc biệt nhấn mạnh trong trung hạn, cần thiết có một Luật mớI, trong đó dự thảo chi tiết nhằm khắc phục một số vấn đề hiện tại trong hợp tác PPP.
Có thể bạn quan tâm
02:17, 19/01/2019
00:33, 17/01/2019
05:10, 17/12/2018
12:21, 07/12/2018
Trong dài hạn, nhóm công tác cơ sở hạ tầng biết rằng, cần nâng cao năng lực quản lý. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực thực hiện các dự án PPP thí điểm. Vấn đề là những nỗ lực này đang cố gắng để hiểu rõ Quy Chế PPP hiện tại và năng lực quản lý chưa phù hợp.
Thực hiện chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ vừa phân công một số cơ quan chủ trì soạn thảo, trình các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 2/2019, Bộ Nội vụ soạn thảo và trình: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2019.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật được điều chỉnh, bổ sung trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.