Thanh Hoá: Chặt hay giữ “vàng trắng”, cần cái nhìn thấu đáo

Diendandoanhnghiep.vn Nhiều năm nay, giá mủ cao su xuống thấp nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn kiên quyết giữ lại “vàng trắng” chờ giá tăng, trong khi người dân ở các huyện đã không còn đủ kiên nhẫn nên ồ ạt chặt bỏ.

Vì sao người dân trên địa bàn tỉnh này lại chán nản, quyết tâm chặt bỏ cây cao su dù đã mất cả chục năm để chăm sóc, còn chính quyền thì lại ra sức bảo vệ loại “vàng trắng” giá rẻ như rau này. Vậy việc giữ lại cây cao su từng được coi là “vàng trắng” xứ Thanh nên hay không, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xem xét kỹ lưỡng, có phương án hỗ trợ người dân trong thời gian tới.

Chặt cây cao su thì… trồng rứa, trồng khoai

Cách đây gần 30 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đưa vào quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời. Sau hơn 10 năm chăm sóc cẩn thận thì cây cao su cho thu hoạch mủ, nhưng chỉ được vài năm đầu giá mủ cao, người trồng có lãi. Những năm tiếp theo giá mủ giống thấp, doanh thu từ bán mủ không đủ trả chi phí cạo mủ, nhiều hộ cao su tiểu điền phải chặt bỏ cao su để chuyển sang loại cây trồng khác, trong khi các doanh nghiệp hạn chế khai thác và chăm sóc, cắt giảm lao động để tồn tại.

Nhiều diện tích cao su tại huyện Yên Định bị người dân chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng rứa

Nhiều diện tích cao su tại huyện Yên Định bị người dân chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng rứa

Có mặt tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, phóng viên báo DĐDN đã ghi nhận tình trạng nhiều hộ dân tại đây đang ồ ạt chặt bỏ rừng cao su đã có tuổi đời hàng chục năm một cách không thương tiếc.

Tại vườn cao su của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân), gần 20 người đang được gia đình chị thuê để chặt bỏ một nửa diện tích cao su vườn nhà. “Cứ với giá mủ như hiện nay thì càng để càng lỗ, trừ công cước, phân bón… thì không còn đồng lời nào cả”, chị Xuân cho biết.

Theo chị Xuân, trung bình 1ha cao su được chăm sóc tốt cho khoảng 60kg mủ nước, giá hiện này là 30 triệu đồng/1 tấn mủ cao su (khảng 30 nghìn đồng/kg mủ), trừ phân bón, công người cạo mủ thì chủ vườn còn lại khoảng 200.000 đồng/lần cạo.

“Cầm chắc lỗ nên nhiều nhà không có công đi lấy mủ đều bỏ bẵng đi, không chăm sóc vườn. Cả gia đình tôi chỉ sống nhờ vào mấy ruộng đất, chặt cũng tiếc lắm nhưng phải phá bỏ đi 1 nửa diện tích để chuyển sang cây trồng khác mong có thêm thu nhập”. - chị Xuân nói.

Không chỉ nhiều người dân ở huyện Như Xuân đang tâm chặt “vàng trắng” làm củi mà một số huyện như Yên Định, Thạch Thành, Thường Xuân… người dân cũng khồng mặn mà với loại cây này nữa.

Năm 2011, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đưa cây cao su vào trồng. Trong 2 năm đầu, diện tích luôn vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Nhưng từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng cao su ở huyện này không đạt kế hoạch. Năm 2014, tỉnh Thanh Hóa giao 350ha nhưng nhân dân trong huyện chỉ trồng được hơn 27ha và năm 2015, tỉnh giao 100ha nhưng toàn huyện không trồng được một cây nào. Nguyên nhân do thị trường “đóng băng”, giá mủ xuống đáy khiến người dân nghi ngại, không dám đầu tư.

Nhiều gốc cao su sau khi bị người dân chặt bỏ vứt chỏng chơ ngoài vườn

Nhiều gốc cao su sau khi bị người dân chặt bỏ vứt chỏng chơ ngoài vườn

Không chỉ người nông dân trồng cao su khổ sở mà các doanh nghiệp cũng đang điêu đứng. Trao đổi với PV báo DĐDN, giám đốc một công ty cao su tại T.P Thanh Hóa thừa nhận đang rất khó khăn do diện tích và sản lượng cao su khá lớn, trong khi giá mủ đang ở mức quá thấp.

“Tiền bán mủ chỉ đủ chi phí duy trì hoạt động, nên chúng tôi buộc phải cắt giảm tối đa nhiều chi phí khác. Như trước đây vườn cây được bón phân 2 - 3 đợt/năm nhưng nay rút xuống chỉ còn khoảng một đợt để cầm chừng, ngoài ra công ty cũng đã tạo điều kiện cho các chủ hộ trồng xen các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc các loại cây công nghiệp khác như cây rứa… để bà con có thêm thu nhập, yên tâm chăm sóc, phát triển cây cao su vượt qua thời kỳ khó khăn”, vị này nói.

Vị này cũng lo lắng việc công ty cắt giảm chi phí, thời gian cạo mủ cũng ảnh hưởng đến đời sống công nhân và việc cây cao su không được chăm sóc cũng khiến năng suất mủ giảm theo. Tình trạng này cứ kéo dài thì công ty cũng khó cầm cự.

Cần cái nhìn thấu đáo

Trao đổi với ông Đỗ Văn Kỳ- Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Thanh Hóa, thì được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 16.000ha cao su, trong đó, diện tích cao su tiểu điền là hơn 13.300ha. Diện tích cao su tiểu điền do các hộ dân quản lý là gần 11.000ha, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đã giao khoán cho các hộ dân quản lý là hơn 2.500ha.

Theo ông Kỳ, do tác động của cơ chế thị trường làm giá mủ cao su liên tục giảm sâu, có thời điểm hiệu quả kinh tế của cây cao su thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác đã tác động đến tâm lý người trồng, chăm sóc cao su. Đó là một thực tế. Tỉnh không cấm người dân hay các công ty cao su chặt bỏ diện tích cao su kém hiệu quả nhưng việc chặt bỏ ồ ạt là không được phép. Nếu chủ vườn muốn chặt bỏ thì phải báo cáo xã, huyện, rồi huyện báo cáo tỉnh để xem xét, giải quyết từng trường hợp một.

Nhiều hộ dân đang chặt bỏ cây cao su được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên cũng đã giữ lại một nửa diện tích với hy vọng giá mủ sẽ sớm lên cao

Nhiều hộ dân đang chặt bỏ cây cao su được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên cũng đã giữ lại một nửa diện tích với hy vọng giá mủ sẽ sớm lên cao

“Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cao su. Loại cây này vừa được xem là cây lâm nghiệp vừa được xem là cây nông nghiệp, có thời gian khai thác lâu, gỗ cây cũng có giá trị. Thời gian trồng lâu mới cho khai thác, nếu người dân thấy giá thấp đã vội vàng chặt bỏ thì đến khi giá cao su tăng lại sẽ tiếc nuối. Chủ trương của tỉnh lâu nay là giữ diện tích để chờ thời cơ khi giá lên cao”- ông Kỳ cho biết.

Ông Kỳ cho biết thêm, cao su là cây công nghiệp dài ngày với nhiều năm chăm sóc, đầu tư hàng chục triệu đồng cho mỗi héc – ta, không thể vì tình hình thị trường bất lợi mà chặt bỏ - nếu không có những nguyên nhân chính đáng. Việc chỉ đạo của ngành nông nghiệp cũng như định hướng của UBND tỉnh về giữ lại cây cao su là nhất quán, người trồng cao su nên suy xét trước khi có những quyết định liên quan đến vườn cây.

Với mong muốn của nhiều chủ vườn cao su là được chặt bỏ để chuyển đổi sang loại cây trồng khác, tỉnh Thanh Hóa ngoài việc tuyên truyền người dân giữ lại cao su để chờ giá thì cũng cần có những hỗ trợ thiết thực cho chủ vườn để người dân có thể cầm cự. Và việc chặt hay giữ cây cao su vẫn cần cái nhìn thấu đáo từ lãnh đạo của tỉnh này, tránh để người dân ôm “vàng trắng” chịu đói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hoá: Chặt hay giữ “vàng trắng”, cần cái nhìn thấu đáo tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713871417 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713871417 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10