Việc chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường từ các cơ quan nhà nước, sẽ góp phần tinh giản bộ máy tập trung làm thể chế, mở rộng thị trường và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia.
Tháo gỡ nút thắt…
Việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do đó, cần tháo gỡ những nút thắt để nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, có thể tiếp cận được và tham gia với dịch vụ công.
Song song đó là những giải pháp, chính sách nhằm tăng cường chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, thông qua việc đóng góp ý kiến, đánh giá thực trạng những vấn đề như: Chính sách liên quan đến dịch vụ công, thực trạng chính sách, những bất cập và nguyên nhân bất cập chính sách; thực trạng năng lực của các tổ chức hội trong việc tiếp nhận dịch vụ công, kết quả đạt được trong quá trình chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển giao dịch vụ công và thực hiện dịch vụ công.
Qua đó, có những giải pháp chính sách tốt nhất nhằm tăng cường chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội.
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Phượng Hoàng, TP.HCM, việc chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh, an toàn khi triển khai loại hình này.
Cụ thể, theo ông Hoàng, trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhà nước có thể thực hiện xã hội hoá công đoạn thẩm định trong thủ tục cấp giấy phép kinh doanh mà cơ quan nhà nước đã làm trước đó như: lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo lái xe…
Và, trong thời gian tới, có thể tính đến việc giao cho đơn vị tư nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, giám sát, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông khác để giảm áp lực.
Trong đó, cơ quan nhà nước chỉ cần cấp giấy phép, công nhận để xác lập giá trị của kết quả kiểm định do doanh nghiệp thực hiện. Nhưng cũng cần chú ý tới việc, các đơn vị làm dịch vụ trên phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định của mình.
Đồng thời, không hạn chế và cho phép nhiều doanh nghiệp cùng tham gia một lúc để tránh tình trạng độc quyền. Trên cơ sở đó, sẽ tạo ra được môi trường mang tính cạnh tranh hơn thay vì một lực lượng thực hiện. Và cuối cùng là doanh nghiệp có cơ hội được lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.
… để khai thông, chuyển giao dịch vụ công
Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan quản lý cũng nên tạo hành lang pháp lý, sân chơi, cho các nhà đầu tư trong việc chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực ngoài nhà nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sự phát triển nhanh và vượt bậc về công nghệ như hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường thì việc chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực ngoài nhà nước, các tổ cổ chức xã hội mà cụ thể là doanh nghiệp để giảm áp lực, khối lượng công việc, tinh giản bộ máy cồng kềnh là hết sức cần thiết và hơn bao giờ hết.
Đơn cử, trong thời gian qua nhiều dịch vụ công đã được nhà nước chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực hành chính, cụ thể như: hàng loạt các văn phòng công chứng, văn phòng luật sư, văn phòng tư vấn pháp luật, văn phòng thừa phát lại...
Cụ thể, hành chính công đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế đã làm việc được nhiều vấn đề như: khám BHYT trong các bệnh viện tư nhân, phòng khám, nhà thuốc tư nhân; lĩnh vực giáo dục -đào tạo: là các Trung tâm đào tạo, trường học dân lập, tư thục… Hay lĩnh vực tài chính: bao gồm là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán…
Cũng theo Luật sự Vân, có thể nói, việc chuyển giao dịch vụ công cho tổ chức xã hội là một nội dung quan trọng của xã hội hóa trong dịch vụ công.
Quan trọng hơn là việc huy động các tổ chức ngoài nhà nước tham gia đã tạo ra làn gió mới, hấp dẫn để cung ứng các dịch vụ công cho xã hội.
Các tổ chức này sẽ không chỉ làm gia tăng và phong phú thêm các dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của xã hội, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước về chất lượng và giá cả dịch vụ công.
"Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này cần phải tháo gỡ những nút thắt để khai thông, chuyển giao dịch vụ công, tạo động lực và tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào cung ứng các dịch vụ công.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này có thể phát huy được vai trò và năng lực của mình, góp phần phục vụ các lợi ích chung cho toàn xã hội" – Luật sư Vân nói.