Trước lời than thở của cậu con trai, thay vì quở mắng, người mẹ đã phân tích cho con những điều cần thiết để cậu có suy nghĩ đúng đắn và niềm tin vào bản thân.
Từ lời hồi đáp cho câu than thở "Mẹ ơi nhà các bạn giàu quá!"...
Cách đây không lâu, trường của con trai tổ chức một hoạt động tham quan ngoại khóa. Khi trở về, con than thở với tôi rằng: "Mẹ ơi, nhà các bạn giàu quá! Nhiều bạn còn mang theo cả Iphone, Ipad".
Tôi nhẹ nhàng nói với nó: "Con yêu, rồi con cũng sẽ có mà!"
Thấy con trai bán tín bán nghi nhìn mình, tôi lại quả quyết gật đầu: "Nhất định sẽ có, chỉ cần con cố gắng!"
Con có chỗ hiểu chỗ không, tựa như đang suy nghĩ điều gì đó, nhẹ gật đầu rồi tiếp tục việc đọc sách. Quyển sách con đang cầm trên tay có tên là "cún nhỏ kiếm tiền", nội dung liên quan tới việc dạy trẻ em quản lý tài sản.
Có nhiều gia đình khi gặp phải lời than vãn trước sự thua kém về vật chất của con mình sẽ nghiêm khắc mà quở trách rằng:
"Con à, nhà ta không giàu như nhà người khác, con không cần hở ra là tiêu tiền linh tinh. Con có biết bố mẹ kiếm tiền vất vả như thế nào không? Cho nên con phải hiểu chuyện, không nên so sánh nhà mình với nhà người ta."
Khi con trai còn nhỏ, tôi cũng từng mắng nó như vậy. Nhưng sau khi đọc qua một số cuốn sách về tâm lý giáo dục, tôi đã thay đổi các suy nghĩ và phương pháp dạy con của mình.
Vốn dĩ, chúng ta dạy con cái cách tiết kiệm, không so bì, thông cảm cho cha mẹ,… những điều ấy đều vô cùng tốt.
Nhưng quan trọng hơn là, con trẻ cần có mục tiêu và sự tự tin, cần biết cách học tập như thế nào để thay đổi vận mệnh, phải nỗ lực phấn đầu bằng đôi bàn tay của chính mình ra sao để cải thiện cuộc sống.
Thay vì khiến con cái thêm mặc cảm trước sự thua kém về vật chất, hãy dạy cho con cách tự nỗ lực để xây dựng tương lai của mình. Ảnh minh họa.
Lại nhớ trước kia mỗi một dịp Tết đến, đám trẻ thường tụ tập với nhau để khoe tiền mừng tuổi. Lì xì của lũ trẻ đứa có nhiều thì được tới gần 10.000, đứa được ít cũng trên dưới 1.000 tệ.
Mỗi lúc như vậy, con tôi chỉ có thể im lặng đứng ngoài những cuộc vui ấy, bởi gia đình rất ít khi nhận tiền mừng tuổi của người khác. Có một lần, nó rất không vui mà hỏi tôi rằng: "Mẹ ơi, vì sao bạn bè đều có tiền lì xì còn con thì không có?"
Tôi chỉ cười và đáp: "Mẹ hỏi con một câu nhé? Dù bạn con có bao nhiêu tiền lì xì thì có liên quan gì tới mẹ con mình hay không? Đó có phải là số tiền bạn đó tự kiếm được không?
Con à, người khác dù cho các con bao nhiêu tiền, bố mẹ rồi cũng sẽ phải trả lại họ. Tiền được cho càng nhiều chỉ càng làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình mà thôi.
Như vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa? Nếu có bản lĩnh nên dùng năng lực của mình để tự kiếm ra tiền mới đúng."
Sau lần đó, có lúc gặp phải một người bạn khoe tiền mừng tuổi, con đã ngẩng cao đầu mà nói rằng:
"Có gì giỏi giang đâu. Đó cũng không phải là tiền cậu kiếm được. Tương lai tớ nhất định sẽ tự kiếm thật nhiều tiền cho xem".
... cho đến câu chuyện đáng ngẫm về tài sản của cha và con
Liên quan tới vấn đề tiền bạc, tôi vẫn thường dùng thái độ cởi mở để trao đổi cùng con trai hằng ngày.
Quan điểm giáo dục của tôi là không để con cái sùng bái vật chất, nhưng phải dạy cho các cháu yêu tài sản theo cách của người quân tử, từ đó dùng năng lực tự thân của mình để làm giàu và giúp đỡ người khác.
Người có nhiều tài sản để lại cho con chưa chắc đã làm tròn bổn phận của bố mẹ, nhưng người dạy con cách tiết kiệm và tự lập chắc chắc là những đấng sinh thành tuyệt vời. Ảnh minh họa.
Có lần, tôi kể cho con trai nghe một câu chuyện, nội dung câu chuyện như sau:
Có một đứa trẻ hỏi bố rằng: Bố ơi, nhà mình có nhiều tiền không?
Người bố đáp: Bố thì có, còn con thì không.
Lại có một đứa trẻ khác hỏi bố của mình rằng: Bố ơi, nhà chúng ta có giàu không.
Người bố ấy trả lời: Nhà mình có rất nhiều tiền. Đến khi bố qua đời, chỗ tiền ấy tương lai sẽ đều là của con.
Sau khi kể xong câu chuyện ấy, tôi hỏi con trai: "Con cảm thấy sau này khi hai đứa trẻ ấy lớn lên, ai sẽ là người giàu có hơn".
Con suy tư một lúc rồi đáp:"Đương nhiên sẽ là đứa trẻ thứ nhất ạ! Bởi nó nghĩ rằng mình không có tiền nên càng kiên trì nỗ lực. Còn đứa thứ hai, nó sẽ cảm thấy bản thân mình có rất nhiều tiền, khi còn trẻ không ngừng tiêu xài hoang phí, đến lúc trưởng thành sẽ chẳng còn tiền."
Tôi cười và đáp:
"Ừ! Con nói rất có lý. Tiền của bố mẹ ta cũng không phải là tiền của ta. Người có bản lĩnh thực sự đều dựa vào sức lực của chính mình để phấn đấu".