Luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định, các dự án BOT thường tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại thiếu đi sự giám sát của cơ quan quản lý.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An của Vũ Thị Hoan nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Có thể bạn quan tâm
17:39, 29/01/2019
01:12, 21/01/2019
00:21, 16/01/2019
18:35, 14/01/2019
Thêm vào đó, thời gian gần đây, câu chuyện liên quan đến BOT vẫn chưa hạ nhiệt. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
- Thưa ông, vụ việc hàng loạt lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị bắt vì hành vi che giấu doanh số thu phí, trốn thuế khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng nêu trên?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự việc như trên, bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Về nguyên nhân chủ quan, đầu tiên phải kể đến là thái độ coi thường pháp luật cũng như động cơ tư lợi cá nhân của các đối tượng.
Mặt khác, về nguyên nhân khách quan, quy trình triển khai dự án đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong giai đoạn kinh doanh công trình.
Theo quy định hiện hành, BOT được hiểu là hình thức đầu tư theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền được kinh doanh công trình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm tư lợi.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng quy định của pháp luật hiện hành cũng đã đáp ứng phần nào việc quản lý cũng như xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư theo hình thức BOT, tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa triệt để.
Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao, nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi.
- Việc che giấu doanh số thu phí, trốn thuế khiến ngân sách thất thoát, tiền nộp phí của dân chảy vào túi riêng một số người tại một số dự án BOT thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao, thưa ông?
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm chủ yếu của những cơ quan này là quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dự án, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai, vận hành và nghiệm thu dự án.
Thiết nghĩ, trước tiên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra việc thu phí toàn bộ các trạm BOT đã và đang hoạt động.
Việc thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân gian lận doanh thu để trốn thuế, nhất là những kẻ đứng đằng sau tiếp tay cho hành vi vi phạm này.
Đồng thời, việc kiểm tra, thanh tra còn làm căn cứ cho việc tính toán để giao khoán, đấu giá quyền thu phí BOT.
- Theo ông, những sự cố xảy ra liên tiếp tại các dự án BOT trong thời gian qua nói lên điều gì?
Những sự cố xảy ra tại các dự án BOT thời gian gần đây chủ yếu gồm 2 nhóm vấn đề chính, thái độ phản đối việc thu phí của người dân và hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm triển khai, vận hành dự án đầu tư.
Xem xét dưới góc độ quy trình thực hiện dự án BOT theo quy định của pháp luật, những sự cố này phản ánh lên hoạt động kinh doanh công trình của doanh nghiệp dự án đang có vấn đề.
Vấn đề ở đây là các dự án hầu hết được chỉ định thầu, nhiều công trình chưa thật sự cấp thiết song đã được lập dự án, đầu tư ồ ạt theo phong trào.
Cơ quan chủ quản không xây dựng được một kế hoạch bài bản, trong khi lẽ ra BOT phải dành cho những dự án có tính chất liên vùng để tăng hiệu quả đầu tư.
Do cơ chế sàng lọc lỏng lẻo, đã để lọt nhiều nhà đầu tư BOT yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn thi công.
Bên cạnh đó, việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao, nhiều thông tin, dữ liệu về dự án không được công khai, dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, lạm dụng.
Việc triển khai thu phí của nhà đầu tư tỏ ra thiếu hợp lý và một số có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Có ý kiến cho rằng phải đấu thầu các dự án thực hiện theo hình thức BOT mới bảo đảm khách quan. Quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?
Theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, cũng như các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nói chung hay đầu tư theo hình thức BOT nói riêng, các dự án đầu tư đều phải tiến hành hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, Điều 37 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định: “Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.
Như vậy, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT bắt buộc phải thực hiện đấu thầu.
Vấn đề đặt ra là cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan hữu quan để ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, qua đó đảm bảo chất lượng của các dự án BOT cũng như hạn chế thất thoát ngân sách quốc gia.
- Phải chăng sự thiếu minh bạch và biểu hiện của nhóm lợi ích là lý do chính khiến người dân bức xúc với các dự án BOT?
Việc người dân bức xúc với các dự án BOT một phần xuất phát từ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Việc không công khai về quy hoạch các dự án BOT, không công khai về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư BOT, không công khai mời thầu BOT, thay vào đó là chỉ định thầu BOT.
Đây chính là mảnh đất mầu mỡ cho các “nhóm lợi ích” tận dụng đề thực hiện dẫn đến nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hầu hết các trạm thu phí đều đặt tại những vị trí chặn đường đi sẵn có từ trước được làm bằng ngân sách nhà nước hoặc dự án BOT được làm ngay trên nền đường có sẵn bằng ngân sách nhà nước, tức là nhà đầu tư chỉ cải tạo mở rộng thêm hoặc gia cố mặt đường, và đặt trạm thu phí của người dân, không cho người dân có quyền lựa chọn.
Bên cạnh đó, nhiều dự án rất vô lý, người dân không sử dụng đường nhưng vẫn thu, có sự giải thích là để bù lỗ cho dự án bên cạnh.
Điều này là nguyên nhân cơ bản dẫn tới bức xúc và phản ứng dữ dội của người dân về việc đặt trạm và thu phí BOT hiện nay.
- Vậy, chúng ta có nên đẩy mạnh việc triển khai thu phí tự động?
Việc triển khai thu phí tự động là một động thái tích cực trong việc áp dụng công nghệ, kĩ thuật vào hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, việc chủ đầu tư BOT không muốn áp dụng thu phí tự động là một thực tế, vì vậy cơ quan chức năng cần cương quyết trong việc yêu cầu các chủ đầu tư phải áp dụng hình thức thu này và có lộ trình để thực hiện sớm.
Nếu áp dụng được hình thức thu này, việc giảm tiêu cực và gian lận của chủ đầu tư sẽ được hạn chế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!