Liên tục tiến hành mua bán sáp nhập, rót vốn đầu tư mới, nhưng doanh thu của BigC, Lotte, Aeon... vẫn kém xa các tên tuổi trong nước.
Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống, tuy nhiên kênh bán lẻ hiện đại với 24% thị phần đang có tốc độ tăng trưởng 11,8%; còn bán lẻ truyền thống chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. Đến 2022 thị phần kênh bán lẻ hiệu đại sẽ tăng lên 44%. Do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn nhiều.
Ngoại lao đao, nội "hái quả ngọt"
Thời gian qua có rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua các mô hình kinh doanh khác nhau và họ đang nỗ lực phát triển hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, không phải "ông lớn" nào cũng thu được "quả ngọt".
Điển hình như Big C. Cách đây 6 năm, thương hiệu này từ nằm trong top 3 của thị trường với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng một năm, thì 2 năm trở lại đây, khi Big C đổi chủ, doanh thu của các siêu thị đồng loạt đi xuống. Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C - đạt mức doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây. Lợi nhuận của Big C Thăng Long giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016. Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, tức giảm tới 50%.
Cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhưng đại gia bán lẻ Hàn Quốc Lottemart lại ghi nhận lợi nhuận âm. Theo Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, ông Jeong Seong Won, báo cáo tài chính có kiểm toán bởi PwC cho thấy, đến cuối năm 2017, doanh thu của Lotte Việt Nam là 5.268 tỷ đồng, 2016 là trên 5.072 tỷ, 2015 trên 4.191 tỷ đồng. Thế nhưng, hết năm 2017, công ty này báo lỗ lũy kế 800 tỷ đồng. Đại diện hãng này cho biết, ngoài việc đầu tư mới, từ năm 2008 đến nay, ước tính công ty đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị thuộc hệ thống Lotte cùng hàng loạt các chi phí khác. Một yếu tố khách quan nữa dẫn đến thua lỗ là do một số siêu thị vị trí địa lý thiếu thuận lợi, thói quen tiêu dùng ở một số vùng miền như Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết chưa được quan tâm nhiều.
Một đơn vị khác đó là Metro. Thương hiệu của người Đức cũng liên tục báo lỗ. Trong 11/12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro Cash & Carry lỗ lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Sau khi bán lại với giá gần 900 triệu USD cho người Thái và đổi tên thành MM Mega Market thì mới đây, chia sẻ với về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết hãng vẫn chưa có lời.
Ở nhóm chuyên kinh doanh của hàng tiện lợi như, Family Mart, Circle K, GS25, 7-Eleven dù chưa có lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng nhưng vẫn chen chân mở rộng cửa hàng tại Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại ghi nhận những bước tiến đáng kể. Có thể kể đến Sài Gòn Co.op. Sau hơn 20 năm, tới nay hệ thống này đã cán mốc 100 siêu thị, 3 đại siêu thị, 3 trung tâm thương mại và hơn 450 cửa hàng Co.op Food và Co.op Smile... Năm 2017, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, mô hình Co.opextra có mức tăng trưởng cao nhất là 35%, Co.opfood 20%, siêu thị Co.opmart là 10 - 12%.
Ra đời muộn, nhưng chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Vingroup lại nhanh chóng vượt mặt các đối thủ nặng ký khác và đạt được kết quả khá khả quan. 9 tháng đầu năm, lĩnh vực bán lẻ của tập đoàn đã ghi nhận sự tăng trưởng đột phá từ siêu thị và cửa hàng tiện ích với doanh thu 4.734 tỷ đồng, chiếm 20% trên tổng doanh số. Đây là lĩnh vực tăng trưởng doanh thu khá nhanh so với các ngành nghề kinh doanh khác của tập đoàn. Năm 2017, tổng doanh thu mà mảng này mang lại cho Vingroup gần 14.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2016.
Với định hướng đưa mảng kinh doanh bán lẻ chiếm 50% doanh thu tập đoàn trong thời gian tới, Vingroup đã lên kế hoạch mở hơn 2.000 Vinmart+, phủ khắp cả nước. Thương hiệu này sẽ tiếp tục nâng lên 10.000 cửa hàng, 400 trung tâm thương mại trong 3 năm tiếp theo. Chiến lược bán lẻ của Vingroup là "lấy nông thôn bao vây thành thị", tập đoàn đang tìm kiếm và sẽ hoàn thành 300 mặt bằng bán lẻ để mở trung tâm thương mại tại các tỉnh thành vào cuối năm nay.
Cùng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động dù chưa mang lại lợi nhuận cho công ty nhưng doanh thu cũng tăng nhanh và biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng có biến chuyển tốt khi biết thay đổi cơ cấu mặt hàng và tối ưu hóa chi phí. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp tại cửa hàng của Bách Hóa Xanh tăng trưởng từ 12% cả năm 2017 lên 14% trong quý I và 16% trong quý II năm 2018. Chín tháng đầu năm đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng 235% so với cùng kỳ năm ngoái với 409 cửa hàng.
Doanh nghiệp nội cần tận dụng ưu thế
Đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và năng động bật nhất hiện nay, rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ sớm, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho biết, khối ngoại tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Tuy nhiên, họ vẫn rất tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị chính. Do đó, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao so với ngoại.
Tính 5 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội vẫn duy trì tốc độ phát triển đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế. Nhưng với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm đến 92% và cửa hàng tiện lợi họ chiếm 80%.
Có thể bạn quan tâm
10:21, 09/11/2018
14:02, 08/11/2018
21:35, 01/11/2018
18:14, 25/10/2018
02:45, 24/10/2018
14:30, 19/10/2018
“Do đó, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi là mảng mà các nhà bán lẻ nội cần cạnh tranh mạnh hơn nữa với nhà bán lẻ ngoại trong thời gian tới”, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Cùng nhìn nhận trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam, cho rằng với các nhà bán lẻ đến từ phương Tây, yếu tố hiểu thị trường không bằng doanh nghiệp Việt Nam. Còn những nhà bán lẻ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phần nào hiểu được người Việt và mang những cái hay từ quốc gia của họ sang Việt Nam, tạo ra sự mới mẻ cho thị trường. Đây là những đối thủ đáng gờm của doanh nghiệp Việt.
Trước thực tế đó, Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam cũng gợi ý doanh nghiệp Việt nên tận dụng ưu thế sự hiểu tâm lý mua sắm của người dân bản địa nhưng cần chú ý sở thích mua sắm của khách hàng Việt thay đổi rất nhanh, thậm chí “thay đổi sau một đêm”.
Bà Quỳnh cũng nhìn nhận, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đang mới bắt đầu. Bởi trong khi ở các nước tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ chậm lại thì Việt Nam tăng trưởng rất lạc quan. Do vậy sẽ có thêm nhiều ông lớn bán lẻ ngoại nhảy vào, doanh nghiệp Việt nên chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với những người mới.
“Một thị trường thực sự bùng nổ là khi khách hàng đã sẵn sàng thay đổi cách mua sắm. Đây là lúc các nhà bán lẻ cần nỗ lực để nắm bắt cơ hội này” - bà Quỳnh nhấn mạnh.