Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã phục hồi tích cực sau khi giảm mạnh vào tuần trước do lo ngại lạm phát và FED tăng lãi suất.
Chỉ số Dow Jones hôm qua đã tăng 410,37 điểm đóng cửa ở mức 24.601,27 điểm, trong đó cổ phiếu DowDupont và Apple tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số Dow Jones, với mức tăng lần lượt là 3,4% và 4%.
Trong khi đó, chỉ số S&P500 tăng 1,4% chốt phiên hôm qua ở mức 2.656 điểm, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số này. Chỉ số Nasdaq cũng tăng tới 1,6% chốt phiên ở mức 6.981,96 điểm.
Ông JJ Kinahan, Trưởng ban chiến lược thị trường của TD Ameritrade cho rằng, thị trường đang cố găng tìm điểm cân bằng sau khi giảm mạnh vào tuần trước. “Rủi ro biến động thị trường vẫn còn. Những rủi ro này có thể kéo dài thêm một vài tuần nữa trước khi biến mất”, ông JJ Kinahan nhận định.
Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones và S&P500 đã giảm khoảng 5,2%, đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Trong khi đó Nasdaq giảm 5,1%, mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 2/2016.
“Đây là giai đoạn điều chỉnh của thị trường chứng khoán, chứ không phải là bắt đầu của chu kỳ giảm giá”, ông Katie Stockton, sáng lập viên của Fairlead Strategies nhận định và cho biết, rủi ro lớn nhất đối với thị trường trước khi xảy ra đợt bán tháo vừa qua là tâm lý của các nhà đầu tư cảm thấy bất an khi chứng kiến các chỉ số chứng khoán đã tăng quá mạnh và đã nằm trong vùng vượt mua.
Đồng quan điểm với ông JJ Kinahan, ông Stockton cũng cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường có thể sẽ tiếp tục kéo dài thêm một số tuần nữa trước khi kết thúc.
Trong khi đó, ông Peter Cardillo, Chuyên gia kinh tế trưởng của First Standard Financial cho rằng, thị trường đang cố gắng phục hồi sau khi giảm mạnh, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang tăng. Điều này vẫn tiếp tục đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Hôm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao 4 năm trước khi giảm nhẹ xuống mức 2,858%.
Sở dĩ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn là do hôm qua Nhà trắng đã tiết lộ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm khoản chi 200 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng liên bang trong 10 năm.
“Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trump quyết định đưa ra gói kích thích tài khóa lớn và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Ed Yardeni, Tổng giám đốc của Yardeni Research cho biết và cảnh báo rằng, việc kích thích tài khóa có thể sẽ gia tăng áp lực lạm phát.
Hiện tại các nhà đầu tư đang chờ đợi và theo dõi số liệu CPI của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai (14/2). Nếu chỉ số CPI tiếp tục tăng cao hơn dự kiến, có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Ông Jonathan Golub, Trưởng ban nghiên cứu chứng khoán của Credit Suisse cho rằng, chỉ số CPI rất quan trọng. “Chỉ số CPI, kể cả chỉ số CPI cơ bản, được dự báo sẽ giảm nhẹ một chút. Tuy nhiên, nếu chỉ số này tăng mạnh hơn dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến giá các cổ phiếu do điều này có thể sẽ khiến FED đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất”, ông Jonathan Golub nhận định.