Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 là Nghị quyết 02+4 với 4 trọng tâm được Chính phủ cộng thêm trong bối cảnh đặc biệt.
LTS: Khác với mọi năm, Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ năm nay được cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kì vọng vào các giải pháp quyết liệt để “tái khởi động, phục hồi kinh tế”, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới đang biến động mạnh mẽ bởi đại dịch.
Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.
Để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao VCCI tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Bối cảnh đặc biệt của năm 2021 cũng sẽ yêu cầu những nét mới trong những giải pháp tổng thể phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng vậy, có thể gọi Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 là Nghị quyết 02+4. Nghị quyết đặt ra 4 trọng tâm; Cụ thể:
Trọng tâm thứ nhất, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước và giải quyết các vướng mắc, bất cập và rào cản pháp lý đối với đầu tư kinh doanh. Đây là điểm nổi bật, bởi những cải cách của chúng ta gần đây mới chủ yếu nằm trong phạm vi giao cho mỗi một bộ ngành cụ thể, trong khi đó doanh nghiệp chịu sự tác động của liên ngành, bởi nhiều vấn đề không thể được giải quyết bởi một bộ ngành.
Trọng tâm thứ hai, bối cảnh của tình hình mới khiến chuyển đổi số trở thành cuộc chơi doanh nghiệp “không thể không chơi”, nếu không ứng dụng doanh nghiệp sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp giao thương và kết nối qua nền tảng số. Do đó, chuyển đổi số được nhấn mạnh lần này là vấn đề “buộc phải làm”.
Trong đó, Nghị quyết 02 có hai cơ chế một là thúc đẩy môi trường thể chế cho chuyển đổi số và hai là thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số gồm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2020-2023.
Trọng tâm thứ ba, của Nghị quyết là đẩy mạnh Chính phủ số. Năm năm trước đây, Nghị quyết tập trung xây dựng Chính phủ điện tử thì nay phải bước sang Chính phủ số. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào thị trường cung ứng các dịch vụ khi Chính phủ chuyển đổi số. Do đó, đây cũng là một trọng tâm có tác động lan toả.
Trọng tâm thứ tư của Chính phủ chính là phải ứng phó với COVID-19. Theo đó, nhằm thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ đưa ra hai giải pháp “vượt tầm” của Nghị quyết 02, đó là tiếp tục cải cách thể chế và thích nghi để phát triển.
4 trọng tâm này thể hiện quyết tâm lớn của Thủ tướng và Chính phủ với những giải pháp mới chưa từng có tiền lệ.
- Tuy nhiên, công cụ đánh giá cho việc cải cách cần phải đảm bảo tính minh bạch, thưa ông?
Phải nói, từ khi bộ công cụ rà soát hay bộ tiêu chí đánh giá các cắt giảm điều kiện kinh doanh được Luật hoá và “nâng cấp” ở phiên bản Luật Đầu tư 2020, chúng ta đã rút kinh nghiệm và bổ sung nhiều tiêu chí cần thiết. Bên cạnh đó, có một điểm chưa có tiền lệ trong lịch sử đó là Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm đơn giản hoá quy định liên quan hoạt động kinh doanh với yêu cầu cắt giảm tất cả các quy định gây rào cản cho doanh nghiệp. Đây là bước tiến lớn trong nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
- Vậy còn đầu mối thực hiện khi cải cách thể chế, đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì sao, thưa ông?
Nếu Nghị quyết chỉ để trên bàn mà không có hỗ trợ, giám sát thực thi thì Nghị quyết bị lãng quên, cải cách thể chế không thể ngày một ngày hai và không thể gián đoạn.
Khi thay đổi thể chế thì cơ quan nào sẽ là đầu mối chủ trì việc thực hiện, đây là điểm khó, nhưng trong xây dựng Nghị quyết chúng tôi thường nhắm tới một cơ quan độc lập như là Bộ Tư pháp - đây sẽ là đơn vị chủ trì thảo luận các phương án cải cách.
- Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Có thể bạn quan tâm