"Thiết kế" niềm vui

TS. BS NGUYỄN DOÃN PHƯƠNG - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) 05/09/2021 15:00

Cách chúng ta sắp xếp công việc hay cách chúng ta điều hành doanh nghiệp là điều quen thuộc và giờ đây, chúng ta cần học cách “thiết kế” niềm vui.

Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch (11/3/2020) tới nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách hay phong tỏa với tâm lý con người. 

Tận hưởng “sống chậm”, dành thời gian cho những niềm vui gia đình sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vượt qua dịch bệnh.

Tận hưởng “sống chậm”, dành thời gian cho những niềm vui gia đình sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vượt qua dịch bệnh.

Khi TP HCM và 18 tỉnh / TP phía Nam thực hiện chỉ thị 16 trước rồi đến Hà Nội, từ đó tới nay, Viện Sức khỏe tâm thần đã nhận được rất nhiều chia sẻ và yêu cầu được tư vấn về tâm lý của mọi người vì họ luôn cảm thấy căng thẳng với mọi thứ xung quanh, thường xuyên mất bình tĩnh, mệt mỏi kéo dài,…

“Khoẻ thể chất - Mạnh tinh thần" 

Dịch bệnh cũng có thể dẫn đến khủng hoảng trong các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân hoặc cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài cũng làm cho cá nhân gia tăng những suy nghĩ, thói quen hay hành vi sức khỏe tiêu cực như: lười vận động, sử dụng rượu, thuốc lá hay truy cập internet với các tương tác tiêu cực…

Thực tế, những sinh hoạt, tương tác mang tính tiêu cực nảy sinh trong thời gian phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội không phải là hiếm. Dịch bệnh đã tác động đến đời sống tâm lý và sức khỏe tâm thần của mọi cá nhân. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tinh thần hiện tại, điều kiện sống, khủng hoảng hay sang chấn trước đó hay chiến lược chống đỡ khủng hoảng và nhận thức của mỗi người.

Chủ động thiết kế những hoạt động có ích, tự tìm niềm vui để cân bằng cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh chính là cách để nhiều người vượt qua. Thời gian này, mỗi người hãy tận dụng để tận hưởng, “sống chậm” lại để dành thời gian cho những niềm vui nho nhỏ cho bản thân, cho con cái, cho gia đình mà bấy lâu nay chúng ta bỏ quên. Tôi biết rằng, nói điều này thật khó khăn, bởi với những gánh nặng về kinh tế mỗi ngày đang thường trực tấn công, thật khó có thể khiến một chủ doanh nghiệp đang ‘gồng gánh’ trách nhiệm với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên tìm được niềm vui, tìm được bình yên trong thời gian này.

Khó, nhưng không gì là không thể! Cách chúng ta sắp xếp công việc hay cách chúng ta điều hành doanh nghiệp là điều quen thuộc và giờ đây, chúng ta cần học cách “thiết kế” niềm vui.

Để tâm hồn thư thái, điều gì khiến chúng ta gia tăng hứng thú ngoài công việc? Chăm một chậu cây tươi xanh, nấu một bữa ăn ngon cho cả gia đình hay đơn giản là dành hàng giờ để đọc xong một cuốn sách đầy thú vị?

Tôi nghĩ, mỗi chúng ta đều có nhiều thú vui, những điều muốn thử và thời điểm này chính là lúc bạn có thời gian chiều chuộng và lắng nghe bản thân, nạp năng lượng cho một tương lai đầy thử thách phía trước. Nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ quan tâm đến việc rèn luyện vóc dáng, tôi cho rằng, điều này là chưa đủ. Sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cũng quan trọng như sức khỏe thể chất và sự an toàn. Chúng ta cần rèn luyện thể chất và tinh thần mỗi ngày.

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch.

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch.

Sản sinh năng lượng tích cực

Mỗi ngày trôi qua đều sẽ là một ngày tươi đẹp – Bạn cần phải tin vào điều đó để lan tỏa, kích thích sự sản sinh của những năng lượng tích cực. Bạn cần thực hành phương pháp 3 x 3, dành 3 phút mỗi ngày để nhớ đến 3 người hoặc 3 điều để tri ân, khiến bản thân được thư giãn với những điều tốt đẹp. Chúng ta luôn có nhu cầu được nói chuyện, được chia sẻ, vì vậy, hãy giữ liên hệ sâu với 4-5 người quan trọng trong đời sống của mình. Liên lạc với họ qua các phương thức trao đổi có video (như Zoom, Messenger…) để hỏi thăm, trò chuyện.

Tập thể thao là một hoạt động không thể thiếu. Ở trong nhà, bạn có thể lựa chọn các hoạt động thể thao như hít đất, yoga, hít thở sâu bằng bụng (hít vào 5 giây, thở ra 7 giây) để dưỡng khí được lưu thông tốt trong não mang lại sảng khoái.

Bên cạnh đó, chúng ta cần “thiết kế” lịch trình sinh hoạt một cách nghiêm túc. Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước 1,5 lít/ngày, ngủ đủ giấc, 7-8 giờ/đêm và nên hạn chế bia rượu và thuốc lá sẽ giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng. Ngoài ra, nghe nhạc, đọc các truyện hài hước hoặc có đời sống tâm linh, cầu nguyện sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn.

Quan trọng, chúng ta cần hạn chế thông tin tiêu cực bằng cách chỉ cập nhật những thông tin về dịch bệnh một cách chọn lọc với những kênh thông tin chính thống như Bộ Y tế, sở y tế, UBND TP…, mỗi ngày chỉ truy cập 1-2 lần vào sáng và tối để biết thông tin dịch bệnh. Tuy dịch bệnh vẫn đang vô cùng phức tạp, chúng ta cũng cần nhận thấy sự quan tâm, dốc sức của toàn hệ thống chính trị trong việc ngăn ngừa phòng dịch, dập dịch. Chính phủ, Bộ Y tế và người dân cả nước đang đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn, nắm tay nhau vượt qua đại dịch. Với sức mạnh to lớn như vậy, mỗi bản thân chúng ta hãy vững tin và chờ đợi dịch bệnh sẽ qua đi.

Trong thời điểm giãn cách này, tôi cũng nhìn thấy và cảm kích rất nhiều tấm lòng hảo tâm, ủng hộ quyên góp bằng những hành động thiết thực tới những khu vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề. Đây cũng là một hoạt động vừa giúp người khác vượt qua khó khăn, đóng góp cho cộng đồng, vừa có thể lan tỏa lòng nhân ái, nhận lại niềm vui tích cực cho tinh thần của mỗi chúng ta…

Có thể bạn quan tâm

  • Những thực phẩm nên ăn để đẩy lùi stress trong mùa dịch

    Những thực phẩm nên ăn để đẩy lùi stress trong mùa dịch

    01:14, 15/08/2021

  • Quản lý stress thời Covid-19

    Quản lý stress thời Covid-19

    02:30, 04/07/2021

  • Stress có thể gây gia tăng xơ vữa động mạch

    Stress có thể gây gia tăng xơ vữa động mạch

    02:13, 21/10/2020

  • TS Mỹ tiết lộ tư thế cúi gập người: Giảm stress, rất tốt cho gan, thận, làm khỏe cơ bắp

    TS Mỹ tiết lộ tư thế cúi gập người: Giảm stress, rất tốt cho gan, thận, làm khỏe cơ bắp

    02:41, 18/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Thiết kế" niềm vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO