Trong hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nhân đóng vị trí trung tâm dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái cũng như các hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp.
Vì vậy nếu không có sự tham gia của doanh nhân, khởi nghiệp vẫn chỉ là sân chơi mang tính phong trào.Chúng ta vẫn hay ví von làm Khởi nghiệp là đi “Ươm mầm doanh nhân”.
Đúng như vậy, đa phần các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đều “hiện thân” là doanh nhân từ cố vấn, giảng viên, huấn luyện viên khởi nghiệp đến các nhà đầu tư, đơn vị, tổ chức cung cấp các dịch vụ, đối tác sản xuất, thương mại... Tất cả các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, quá trình phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp đều có “bóng dáng” của doanh nhân phía sau.
Thành tại Doanh nhân, bại tại Doanh nhân
Một yếu tố then chốt để các nước nhỏ bé như Israel, Singapo thành công được như ngày hôm nay, để được gọi là quốc gia khởi nghiệp là vì họ có văn hóa khởi nghiệp. Một văn hóa dám thất bại, dám lắng nghe, dám chịu chỉ trích và đứng dậy làm lại, Nó được xây dựng từ tinh thần doanh nhân Dám nghĩ dám làm, quyết đoán, quyết liệt và chiến đấu đến cùng. Chính vì vậy để tinh thần này có thể lan tỏa, trở thành văn hóa của khởi nghiệp Việt Nam. Doanh nhân sẽ phải là những nhà truyền bá tư tưởng, đem tinh thần của mình lan tỏa tinh đến toàn xã hội.
Trong cuốn sách nói về phương pháp để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh, doanh nhân Brad Feld – người đã có công rất lớn trong việc hình thành nên thung lũng Silicon của Mỹ tại Boulder, Boston, New York… khẳng định: “để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Bạn sẽ làm quen với khái niệm doanh nhân phải là người dẫn dắt sự thay đổi nếu muốn phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Doanh nhân sẽ là người tiên phong, lãnh đạo phong trào khởi nghiệp. Là người nhân rộng kết nối, thiết lập sự kiện và hoạt động gắn kết, thu hút các thành phần còn lại trong hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Tuy đứng ở vị thế quan trọng là thế nhưng tại Việt Nam. Vai trò và hình ảnh của doanh nhân trong các hoạt động khởi nghiệp còn khá khiêm tốn khiến cho các hoạt động dù được tổ chức rầm rộ nhưng thiếu sức sống, chưa thực chất và không chạm được vào cái đích của khởi nghiệp.
Mặc dù thời gian gần đây, đã có nhiều doanh nhân, Việt kiều tự đứng ra xây dựng trung tâm ươm tạo, các tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp cũng như tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp với vai trò là cố vấn, nhà đầu tư bước đầu đem lại những làn gió mới cho phong trào khởi nghiệp nhưng vì số lượng còn hạn chế như ngọn đèn giữa rừng đêm, không thể thắp sáng cả khu rừng khởi nghiệp đang chờ được sản sinh và ươm tạo.
Với sứ mệnh ươm mầm doanh nhân Việt, chương trình khởi nghiệp Quốc gia sẽ tiếp tục cùng cộng đồng doanh nghiệp tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, đa dạng, hiệu quả.
Vì thế, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là chất xúc tác, tạo ra môi trường thuận lợi giúp các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, còn hướng khác phải có cơ chế đặc thù thu hút sự tham gia của doanh nhân, để Doanh nhân thấy vai trò, lợi ích và trách nhiệm của họ trong công cuộc khởi nghiệp mang tính cách mạng này.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp quốc gia: “Tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam mạnh, nhưng chất lượng dự án khởi nghiệp và khả năng hiện thực hóa dự án khởi nghiệp còn nhiều hạn chế. nguyên nhân là do các dự án khởi nghiệp thiếu tính thực tiễn, chưa được hỗ trợ của doanh nghiệp và cộng đồng, chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp.
Vai trò của doanh nghiệp đi trước rất lớn. Do đó, cần phải khơi dậy những nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn quay lại đầu tư vào khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết trên thị trường, không chỉ là liên kết của doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau mà nó còn là sự liên kết từ các cơ quan Chính phủ, trường đại học, nhà đầu tư…”.
Tập hợp sức mạnh doanh nhân
Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt Nam, đơn vị Chủ trì Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. VCCI xác định nhiệm vụ vai trò quan trọng của mình là tập hợp sức mạnh doanh nhân đưa phong trào khởi nghiệp đi lên, đi đúng hướng. Cung cấp dưỡng khí cho các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam.
Chuong trình khởi nghiệp Quốc gia với sự triển khai tích cực của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trong suốt chiều dài 16 năm, đã đưa hang nghìn doanh nhân vào tham gia các hoạt động khởi nghiệp, biến họ thành những trụ cột, xương sống trong các hoạt động khởi nghiệp của VCCI.
Chương trình đã đi và tới các tỉnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với nòng cốt là hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nhân. Chuỗi các hoạt động khởi nghiệp luôn có doanh nhân tham gia. Doanh nhân làm diễn giả trong các chương trình giao lưu, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm khởi nghiệp với thanh niên – sinh viên, doanh nhân làm giảng viên khởi nghiệp, doanh nhân làm cố vấn cho các dự án, nhà đầu tư, và hiện nay với sự tư vấn của Chương trình, nhiều doanh nhân đã tự xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, hỗ trợ trực tiếp về vốn, cách thức quản trị doanh nghiệp và cả đầu ra cho dự án khởi nghiệp.
Mô hình thành công đã lan tỏa rộng khắp tới các tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Chỉ riêng trong năm 2018. Chương trình Khởi nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh và đào tạo các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp cho doanh nhân.
Trong những năm tiếp theo, từ mạng lưới doanh nhân và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp ngành rộng khắp trên toàn quốc của VCCI và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Chương trình khởi nghiệp Quốc gia tiếp tục xây dựng, phát triển các mạng lưới vệ tinh hỗ trợ khởi nghiệp như mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, mạng lưới giảng viên khởi nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư khởi nghiệp.
Tất cả đều hình thành từ doanh nhân, do doanh nhân điều hành và vì sự phát triển của thế hệ doanh nhân tương lai.