Nông nghiệp là lĩnh đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành nông nghiệp muốn bứt phá, muốn trở thành trụ đỡ vững chắc, không thể tách rời doanh nghiệp. Do đó phải thu hút bằng được doanh nghiệp vào đầu tư.
Nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 chủ đề Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững. Diễn đàn sẽ diễn ra từ 13g30 phút đến 17 giờ ngày 28/6/2023 tại Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ).
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Bộ NN&PTNT; lãnh đạo VCCI; tỉnh Long An; các chuyên gia nông nghiệp, Hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp… Tại Diễn đàn, các nhận định đều cho rằng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững được xem là giải pháp trọng tâm đặc biệt trong bối cảnh hội nhập đầy biến động hiện nay. Doanh nghiệp sẽ là “hạt nhân” mở đường, tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Trong những năm qua, mặc dù Đảng, nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đàu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững… Tuy nhiên theo số liệu thống kê Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy trong năm 2022 số lượng doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới chỉ có 821 doanh nghiệp trong tổng số 148.533 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước.
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng” phải là tiên quyết. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc…
Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến nhiều giải pháp liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp; tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Mới đây nhất, Cử tri các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định... đã đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón.
Chính vì vậy, các chuyên gia còn đặc biệt nhấn mạnh, Chính phủ và ngành NN&PTNT cần có những cơ chế thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lúc gặp khó khăn, có thể lâm vào tình trạng “trắng tay”. Để từ đó, doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia đầu tư hơn vào ngành.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - Phùng Hà, Luật Thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực từ năm 2015 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.
Đáng nói, với chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là Ure đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
Vì vậy, ông Phùng Hà cho rằng, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân là Nhà nước sớm sửa đổi quy định của Luật Thuế 71/2014/QH13. Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương sẽ có nhiều giải pháp để ngành nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn cũng khẳng định sự hỗ trợ tối đa của chính quyền đối với các nhà đầu tư; đặc biệt là các nhà đầu tư tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 29/06/2023
04:00, 29/06/2023
14:00, 28/06/2023
04:00, 27/06/2023
00:01, 26/06/2023