Sau gần một năm rời ghế CEO The Coffee House, ông Nguyễn Hải Ninh đã được một hãng bia thủ công mới nổi mời về với vai trò hoạch định chiến lược.
Thị trường bia khá khác với cà phê. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ với ông Ninh.
Ông Nguyễn Hải Ninh được biết đến là nhà đồng sáng lập chuỗi Urban Station tạo ra trào lưu cà phê trong giới trẻ. Sau khi rời Urban Station, ông thành lập The Coffee House. Năm 2016, Nguyễn Hải Ninh được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 30 Under 30, năm 2017 lọt vào danh sách này của Forbes Asia.
Trong lĩnh vực chuỗi đồ uống, ông Ninh là một nhân vật khá nổi trội. The Coffee House được ông Ninh mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2014 và đến nay đã có trên dưới 160 cửa hàng trên toàn quốc với doanh thu mỗi năm gần 700 tỷ.
Pasteur Street Brewing là một thương hiệu bia đang phát triển tại Việt Nam. Đây là một loại bia thủ công kiểu Mỹ, nhưng có nguyên liệu Việt. Thương hiệu này ra mắt tại TP HCM đầu năm 2015. Sau hơn 5 năm hoạt động, hãng bia này hiện đã có 5 nhà hàng tại TP HCM , Hà Nội, Hội An.
Việc một hãng bia đang trên con đường mở rộng mời một nhân vật nổi tiếng gây dựng chuỗi về làm chiến lược, có lẽ không ngoài việc muốn mở rộng mạnh thị trường tại Việt Nam. Ông Mischa Smith, đại diện hãng bia này đã từng nói: “Ưu tiên hàng đầu của Pasteur Street Brewing trong thời gian đầu là mảng phân phối”.
Có điều, thị trường bia Việt rất khó khăn cho một tay chơi mới chen chân vào.
Mỗi người Việt trung bình tiêu thụ 45 lít bia một năm, trở thành một thị trường vô cùng béo bở. Chính vì vậy nhiều “ông lớn” đã nhảy vào, nhưng vào được lại là một chuyện khác.
“Tôi đã thất bại rất nhanh trước Heneiken ở khâu phân phối” là câu trải lòng đầy cay đắng của ông chủ Tân Hiệp Phát khi đầu tư dây chuyền sản xuất bia Laser 100 triệu USD để gia nhập thị trường bia từ năm 2001.
Mọi sản phẩm mới đều phải tìm cách đến được tay khách hàng, nó phải có kênh phân phối. Điều này đúng với mọi ngành kinh doanh, trong đó có ngành bia. Chặn kênh phân phối là một trong những kĩ thuật mạnh nhất các hãng lớn ngăn ngừa kẻ mới vào.
Khi nhận thấy Tân Hiệp Pháp muốn chen chân, Heneiken đã ra tay, “bóp chết” đối thủ Laser ở khâu yết hầu nhất: phân phối.
Heneiken cấm tất cả các đại lý, các điểm phân phối của mình phân phối Laser. Nếu nhìn thấy một chai Laser, Heneiken sẽ lập tức dừng cung sản phẩm của mình cho đại lý đó. Đứng trước 2 sự lựa chọn, các hệ thống phân phối đã chọn giải pháp an toàn hơn: đứng về phía Heneiken.
“Bia laser là một thất bại. Khi bạn không nắm được hệ thống phân phối, xác suất thất bại là 100%”, ông chủ Tân Hiệp Phát cho biết, “và khi đã nhìn thấy thất bại, tốt nhất là chấp nhận thua nhanh”.
Vinamilk là một ông lớn khác nhảy vào thử sức. Năm 2006, Vinamilk đã liên doanh với Tập đoàn SABmiller, một hãng bia lớn trên thế giới, để thành lập công ty sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm, khánh thành vào tháng 3/2007 với thương hiệu bia Zorok. Nhưng thật khó có thể tận dụng hệ thống phân phối sữa của Vinamilk hiện có để bán bia. Chỉ sau 2 năm, Vinamilk đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho SABmiller.
Những “ông lớn” Sabeco, Habeco, Heneiken,... dường như đã phong tỏa thị trường bia Việt bằng đủ mọi chiêu trò kinh doanh cùng sức mạnh tài chính, hệ thống phân phối của mình. Khe hở cho một người mới lách vào vô cùng bé. Đây dường như sẽ là thử thách không nhỏ với cả Pasteur Street Brewing lẫn ông Hải Ninh.